Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kiến nghị 7 nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành xây dựng

Chiều ngày 5/7, cùng tham gia Đoàn đại biểu Tổng hội Xây dựng Việt Nam gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Kiến trúc sư Lê Viết Hải Ủy viên BCH Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã kiến nghị 7 nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành xây dựng.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập và chuẩn bị Đại hội IX nhiệm kỳ 2022- 2027 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chiều ngày 5/7/2022 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu đại diện cho trên 10.000 hội viên, tập thể, cá nhân của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Cuộc gặp thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kịp thời động viên, ghi nhận, khích lệ tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức, khoa học, công nghệ, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, phát triển đất nước.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng dành thời gian lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu một loạt các vấn đề đáng quan tâm của ngành như chất lượng công trình, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng, nghiên cứu phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường,... Trong đó đáng chú ý là những ý kiến phát biểu của KTS Lê Viết Hải - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TPHCM (SACA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Những ý kiến phát biểu của KTS Lê Viết Hải đứng trên cả khía cạnh chuyên gia ngành xây dựng cũng như góc nhìn của doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng.

Xúc động khi Chủ tịch nước dù bận nhiều công việc trọng đại của đất nước nhưng vẫn dành thời gian gặp mặt các chuyên gia, nhà khoa học của Tổng hội Xây dựng Việt Nam KTS Lê Viết Hải cho rằng trong thời kì đổi mới ngành xây dựng có bước tiến phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ, tốc độ đổi mới có thể khẳng định cao nhất thế giới. Về kĩ thuật chúng ta đã đi từ rất lạc hậu đến nay đã làm chủ công nghệ xây dựng hàng đầu thế giới.

“Khi các nước xung quanh còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà thầu nước ngoài thì chúng ta đã có những nhà thầu trong nước có đủ khả năng thay thế nhà thầu nước ngoài. Tôi tiếp xúc nhiều kĩ sư xây dựng Philippine, Thái Lan, Malaysia nhiều công nghệ xây dựng chúng ta áp dụng từ nhiều năm rồi nhưng họ đến nay mới tiếp cận” - KTS Lê Viết Hải chia sẻ. Sự phụ thuộc này khiến suất đầu tư một số loại hình công trình trở nên cao hơn rất nhiều so với Việt Nam và giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.


Về vật liệu xây dựng nếu chúng ta để ý sẽ thấy giá trị xuất khẩu xi măng và clinker Việt Nam đã đứng đầu thế giới từ năm 2017. Nhiều loại vật liệu xây dựng của Việt Nam sản xuất được xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới. Về giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ từ năm 2019 Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu trên thế giới. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo nên một lợi thế cạnh tranh có tính chiến lược trên thị trường xây dựng thế giới.

Thêm một lợi thế hết sức quan trọng nữa, đó là hiện nay số lượng kĩ sư xây dựng Việt Nam rất dồi dào. Ở các nước phát triển giới trẻ hầu hết không thích làm việc trong ngành xây dựng và bình quân của thế giới chỉ có 3.000 kỹ sư xây dựng trên một triệu dân trong khi đó Việt Nam chúng ta có đến 9.000 kĩ sư xây dựng / 1 triệu dân. Như vậy có thể thấy chúng ta có lượng nhân lực chính yếu trong ngành xây dựng lên đến gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Đây là một lợi thế rất quan trọng nhưng nếu chúng ta không biết khai thác nó thì sẽ là gánh nặng trong tương lai khi nhu cầu xây dựng mới đạt mức bảo hoà.

Để thành công trong việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, Ông Lê Viết Hải cho rằng cần chuẩn bị rất nhiều thứ, và mất khá nhiều thời gian. Vì vậy cần phải làm càng sớm càng tốt để không bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta cần đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Sản xuất vật liệu xây dựng cần tiếp tục được đầu tư để có nhiều mặt hàng thỏa mãn các tiêu chuẩn cao của các nước phát triển bao gồm các tiêu chuẩn sản xuất xanh, tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe, môi trường, về sử dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng...

Thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến khoảng 12.000 tỉ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỉ USD, trong khi xây dựng Việt Nam trong những năm gần đây chỉ khoảng từ 50 đến 60 tỉ USD tức là ít hơn 200 lần so với quy mô của thị trường thế giới. Nếu chúng ta áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thì có thể khẳng định Việt Nam sẽ chinh phục được thị trường xây dựng thế giới và công nghiệp xây dựng nhất định sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Ông Lê Viết Hải cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược này cần có sự hợp tác của các hiệp hội tạo nên hệ sinh thái tối ưu trong ngành xây dựng bao gồm Tổng Hội Xây dựng, Tổng Hội Vật liệu xây dựng, Hiệp Hội nhà thầu Xây dựng, Hiệp hội cơ khí xây dựng, Hội Tư vấn Thiết kế công trình xây dựng, Hội quản lý dự án xây dựng, Hội Tin học Xây dựng, Hội Kỹ sư Xây dựng, Hội Kiến trúc sư,… và rất nhiều hiệp hội, câu lạc bộ liên quan đến ngành xây dựng cần có sự liên kết, hợp tác với nhau để tạo nên một hệ sinh thái của ngành xây dựng Việt Nam đạt được sự cộng hưởng và mang lại sự tối ưu về hiệu quả hợp tác. Bên cạnh đó ngành xây dựng rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, của Nhà nước.

KTS Lê Viết Hải đề xuất cần xây dựng một chiến lược quốc gia trong đó xác định đâu là cơ hội, đâu là thách thức, đâu là những nhiệm vụ quan trọng và có giải pháp để thực thi những nhiệm vụ quan trọng đó để nâng cao năng lực cạnh tranh chung của ngành xây dựng, giúp ngành xây dựng thành công trong xuất khẩu.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã kiến nghị 7 nhiệm vụ chiến lược cụ thể:

Thứ nhất: Chính phủ hỗ trợ thông tin thị trường toàn cầu để doanh nghiệp xây dựng có thể đến đúng nơi phù hợp nhất. Cần phải xác định đâu là những thị trường tiềm năng, có điều kiện thuận lợi để chúng ta khai thác hiệu quả nhất. Hiện nay, theo nghiên cứu riêng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ở các nước phát triển giá thành xây dựng đang gấp 3 đến 8 lần so với Việt Nam. Một m2 xây dựng thông thường ở nước ta dưới 500 USD trong khi các nước là từ 1.500 USD đến 4000 USD/ m2.

Thứ hai: Trong đàm phán các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương Chính phủ cần quan tâm về các điều khoản liên quan đến xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng thầu chứ không phải chỉ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản…

Thứ ba: Cải cách thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp xây dựng phát triển tốt hơn, đặc biệt là thủ tục đầu tư ra nước ngoài để doanh nghiệp xây dựng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu.

Thứ tư: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành xây dựng từ lao động trực tiếp đến gián tiếp. Nguồn nhân lực hiện nay tuy có dồi dào hơn các nước khác nhưng vẫn thiếu nhân lực trình độ cao đạt chuẩn quốc tế đặc biệt là lao động trực tiếp (công nhân).

Thứ năm: Chính phủ hỗ trợ trong việc thiết lập hệ sinh thái ngày càng hoàn thiện hơn trong ngành xây dựng Việt Nam nhằm kết nối các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cùng các ngành liên quan để tạo nên sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thứ sáu: Tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp xây dựng trong nước làm tổng thầu các dự án đầu tư quy mô lớn của Nhà nước.

Thứ bảy: Có phương thức quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam để hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ xây dựng. Uy tín thương hiệu quốc gia cao sẽ là một lợi thế cạnh tranh quan trọng khi ngành xây dựng phát triển ra thị trường nước ngoài.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt Chủ tịch nước, KTS Lê Viết Hải còn cho biết các nước có truyền thống xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài hiện rất thiếu nguồn nhân lực. Nhiều tập đoàn xây dựng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong thời gian sau Covid đã phải mời Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tham gia thi công xây dựng các dự án của họ ở nước ngoài. Điều đó cho thấy rõ hơn nhu cầu của thị trường nước ngoài và và cơ hội Việt Nam thay thế nhiều nước khác trong việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp (dịch vụ tổng thầu) là rất thuận lợi.

Trong khi đó hiện nay các doanh nghiệp xây dựng phải đối diện với rất nhiều khó khăn! Bởi vì sau 2 năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, ngành xây dựng lại gặp khó khăn khi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặc chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn. Những khó khăn đó chưa qua đi thì cuộc chiến tranh Nga - Ucraina đã tác động rất tiêu cực lên nền kinh tế thế giới khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả leo thang chóng mặt. Khủng hoảng chồng chất khủng hoảng, khó khăn chồng chất khó khăn khiến rất nhiều nhà thầu quy mô lớn, trước đây làm ăn rất tốt nhưng thời gian vừa qua phải đối diện với nguy cơ bị phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Một nhà thầu lớn như một cổ máy vĩ đại, tốn rất nhiều công sức, mất rất nhiều thời gian để hình thành để bị phá sản thì chẳng khác gì cổ máy bị tháo rời trở thành một đống sắt phế liệu. Đó là điều rất đáng tiếc!

Tôi xin thay mặt các doanh nghiệp xây dựng tha thiết kiến nghị Chính phủ tìm cách hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng vượt qua khó khăn của những cuộc khủng hoảng liên tiếp; đồng thời thực thi 7 giải pháp mang tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xây dựng để ngành xây dựng có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển quốc gia.

Mỹ Cảnh 
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét