Thanh toán không dùng tiền mặt với đa dạng phương thức thanh toán đã phổ biến và đang dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa thanh toán không tiền mặt, rất cần sự “chung tay” của cơ quan nhà nước và cả doanh nghiệp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện có trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng. Số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt qua các kênh Internet hay điện thoại di động đều tăng cả số lượng và giá trị giao dịch. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR Code tăng trưởng ấn tượng nhất với hơn 161% về số lượng và 36,6% về giá trị.
Với hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, bình quân thanh toán qua ngân hàng đã đạt 40 tỷ USD/ngày.
Chia sẻ tại hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội” do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều ngày 16/6/2023, ông Phạm Tiến Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, dữ liệu có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Việc kết nối dữ liệu sẽ giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng, giúp bán chéo sản phẩm. Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu đầy đủ góp phần ngăn chặn hành vi gian lận lừa đảo, tăng cường công tác thông tin bảo mật…
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đang kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực làm sạch dữ liệu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian sắp tới.
“Ngân hàng Nhà nước đang sửa Thông tư 39 năm 2016 hướng dẫn về cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đặc biệt, ngành ngân hàng nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Tuấn thông tin.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, trong các phương thức thanh toán không tiền mặt thì thanh toán không tiếp xúc chiếm ưu thế. Theo ông Kelvin Tanu Utomo - Trưởng bộ phận sản phẩm và giải pháp của Visa Việt Nam và Lào, sự phát triển của thanh toán không tiếp xúc đang phổ biến ở nhiều thị trường.
Cụ thể, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc qua thẻ xếp từ thấp đến cao lần lượt là Philippines (34,4%), Thái Lan (38,3%), Việt Nam (48,4%), Hồng Kông (89,3%), Đài Loan (90,9%), Maylaysia (83%), Singapore (98%), Úc (99%) và New Zealand (96,4%). Như vậy, có thể thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 10 giao dịch thanh toán trong cửa hàng thì có gần 5 giao dịch không tiếp xúc.
Thanh toán không tiếp xúc có cơ hội phát triển khi đảm bảo nhiều yếu tố như trải nghiệm thanh toán mượt mà và ít rào cản, đảm bảo an toàn, tăng doanh số cho người bán, giảm bớt rào cản xử lý thanh toán không tiền mặt. Tại Việt Nam, thanh toán không tiếp xúc và QR Code sẽ bổ trợ cho nhau, tùy vào lựa chọn của khách hàng.
Cũng theo ông Kelvin, sắp tới sẽ có nhiều ví điện tử tham gia vào thanh toán không tiếp xúc. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể thanh toán bằng điện thoại, đồng hồ đeo tay… “Hay đi xe buýt, tàu điện… cũng có thể thanh toán không tiền mặt”, ông Kelvin thông tin thêm.
Tuy nhiên, để phương thức thanh toán không tiền mặt phát triển hơn nữa, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng chia sẻ và thu thập dữ liệu tức thời. Và theo gợi ý của đại diện Visa Việt Nam thì “ở lộ trình tiến đến dữ liệu mở, ngân hàng mở, tổ chức nào sử dụng nhiều dữ liệu từ nhiều bên khác nhau cũng như bảo vệ được dữ liệu đó tối ưu sẽ có nhiều ưu thế trong tương lai”.
Dữ liệu mở cũng là yếu tố quan trọng để bước vào ngân hàng mở, trong đó hành lang pháp lý là nền tảng quan trọng. Bên cạnh đó, cần tạo niềm tin người dùng. Vì khách hàng ưu tiên dùng nền tảng thanh toán có độ tin cậy cao hơn thay vì rẻ hơn, theo lời ông Kelvin.
Nguyên Thuỷ
0 nhận xét :
Đăng nhận xét