UOB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,7% dù Covid-19 bùng phát

Theo báo cáo mới công bố của UOB - ngân hàng hàng đầu châu Á có trụ sở chính tại Singapore, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục nhưng làn sóng Covid-19 mới bùng phát ở nhiều địa phương đã làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 6,7% trong năm nay.


Dữ liệu đến tháng 5 chỉ ra xu hướng tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong quý II/2021. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 130 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng đến 36,4% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp cũng tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng tích cực trong năm 2021, phản ánh niềm tin từ các nhà đầu tư vào tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng vốn đăng ký FDI tính đến tháng 5 tăng 14 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tâm lý tích cực từ các nhà đầu tư được phản ánh trong cả các hạng mục đầu tư hiện hữu và cấp mới. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) chậm lại, chỉ đạt 1,31 tỷ USD tính từ đầu năm, ít hơn hơn một nửa giá trị trong cùng kỳ năm 2020. Tính đến tháng 5/2021, vốn FDI giải ngân thực tế đạt 14 tỷ USD, bằng cùng kỳ năm 2020, với phần lớn (5 tỷ USD) chảy vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất (2,6 tỷ USD). Nguồn FDI lớn nhất đến từ Singapore, với 51% thị phần tính từ đầu năm, tiếp theo là Nhật Bản ở mức 21%.

Theo các chuyên gia của UOB, mặc dù đạt những thành công ban đầu trong việc khống chế đại dịch, sự bùng phát gần đây của Covid-19 tại Việt Nam và việc phát hiện các biến thể vi rút mới có thể mang đến những rủi ro đáng kể đến sự phát triển của nền kinh tế trong quý 3/2021. Hiện tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước láng giềng, tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng có thể sẽ gia tăng khi Chính phủ có kế hoạch đạt được mục tiêu tiêm chủng 80% dân số vào tháng 6/2022.

Các chuyên gia UOB dự báo GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7%. Mặc dù có rủi ro với mức tăng thấp hơn do sự gián đoạn từ việc bùng phát các ca nhiễm mới vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 nhưng trong tháng 4 và 5 vừa qua, GDP có thể tăng thêm 7% so với cùng kỳ.

Cũng theo các chuyên gia UOB, với việc tái bùng phát Covid-19, khả năng cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên các chính sách hiện hữu. Với khả năng kiểm soát đại dịch tốt như trong năm 2020 và cùng với việc đẩy mạnh triển khai tiêm chủng, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ giữ vững lập trường chính sách của mình. Cả lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5% đang ở mức thấp kỷ lục.

Một yếu tố cần theo dõi là mức lạm phát của Việt Nam đã tăng lên 2,9% vào tháng 5 so với 2,7% vào tháng 4. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2020 và được thúc đẩy chủ yếu bởi vận tải (tỷ trọng 9,7%) và nhà ở (tỷ trọng 18,8%), nhưng bù lại từ sự giảm giá lương thực, thực phẩm (tỷ trọng 33,6%).

Về chính sách tiền tệ, sau khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục tương tác cấp cao với Việt Nam về các chính sách quản lý ngoại hối. Tiếp theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giảm tần suất can thiệp ngoại hối (để ổn định giá trị VND) từ mỗi ngày sang một lần một tuần kể từ tháng 2/2021.

Với các chính sách can thiệp thị trường từ Cục dự trữ liên bang Mỹ trong thời gián tới, các diễn biến cho thấy áp lực mất giá lên VND sẽ không đáng kể. Dự báo, tỷ giá USD/VND có thể đứng ở mức 23.000 trong quý III/2021 và quý IV/2021, tiếp theo là 23.100 trong quý I/2022 và 23.200 trong quý II/2022.

Minh Tú
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét