Tìm mọi giải pháp duy trì sản xuất, đem về doanh số, tạo công ăn việc làm là nhiệm vụ sống còn lúc này của cộng đồng doanh nghiệp. Làn sóng dịch thứ tư đang xâm nhập vào nhà máy, xí nghiệp, nên nhiệm vụ đó càng khó khăn hơn nếu họ không được tiếp thêm sức...
Thuế, phí nào cần giảm liền
Dù đã hoạt động trở lại bình thường hơn một tuần nay, nhưng ông Nguyễn Mạnh Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina (Namilux) vẫn chưa hết bàng hoàng về 14 ngày nhà máy Vina (Khu công nghiệp Tân Bình - TP.HCM) bị phong tỏa hồi cuối tháng 5 vừa qua do có 1 trường hợp F0. Trong 14 ngày phong tỏa, gần 800 công nhân Vina thực hiện chế độ "quân ngũ". Họ phải ăn, ngủ, sản xuất tại công ty.
"Mọi thứ đảo lộn, chúng tôi trải qua hai tuần khủng hoảng tinh thần thực sự", ông Dũng chia sẻ. Do đó, khi đề cập đến vấn đề Vina cần hỗ trợ gì lúc này nhất, không cần suy nghĩ, ông Dũng nói ngay chúng tôi cần Nhà nước khống chế được dịch càng sớm càng tốt. Giải pháp trước mắt là tiêm vaccine ngay cho đội ngũ công nhân. Kế đến là có biện pháp khoanh vùng các ca nghi nhiễm trong nhà máy như thế nào để doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất chứ không phải đóng cửa.
"Trong trường hợp có lây nhiễm thì việc phong tỏa phải đúng mức, thu hẹp lại để không ảnh hưởng toàn doanh nghiệp", ông Dũng kiến nghị.
Ngày 28/5/2021, Công ty Vina là một trong số nhiều doanh nghiệp ở Thành phố phát hiện ca nghi nhiễm F0, rất may công nhân này không gây lây nhiễm, nhưng từng đó cũng khiến doanh nghiệp này chịu tổn thất vật chất lẫn tinh thần vô cùng lớn. Không riêng gì Vina, gần một tháng Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả ngành nghề phải chống chọi với những hệ lụy ghê gớm. Sản xuất ngưng trệ, bất an, vận chuyển hàng hóa bị đứt gãy, công việc đảo lộn, doanh thu sụt giảm, quan trọng hơn là luôn sống trong tâm trạng lo lắng. Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Mạnh Dũng, gần tháng qua doanh nghiệp nào cũng chịu ảnh hưởng, có nơi cầm cự được, có nơi không, nếu bây giờ có đưa ra gói hỗ trợ thì nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20-30% trên tổng mức thuế mà doanh nghiệp đang đóng.
Rõ ràng, giãn cách xã hội đồng nghĩa với doanh số giảm, người lao động mất việc, mất hoặc giảm thu nhập. Tuy nhiên, theo ông Trương Gia Khánh - Phó giám đốc Công ty VianTravel, những gói cứu trợ của Chính phủ và Thành phố triển khai năm ngoái quá chậm.
Chẳng hạn, với gói hỗ trợ an sinh, để người lao động hưởng 1 triệu đồng thì VianTravel đã làm hồ sơ từ tháng 4/2020, mãi đến tháng 7 hay tháng 8 mới nhận được. "Mất 4 tháng mới nhận được 1 triệu đồng, như vậy lúc khó khăn nhất thì chúng ta đã không hỗ trợ được cho họ", ông Khánh nói.
Riêng chính sách giảm thuế hoặc các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, theo vị CEO của VianTravel phản ánh, doanh nghiệp cũng tốn rất nhiều công sức, thời gian làm thủ tục nhưng vẫn chưa thấy đâu. "Đợt dịch thứ tư đang diễn ra, chúng tôi cũng được các sở yêu cầu làm thủ tục, yêu cầu kê khai doanh thu, thuế, số người lao động... Nhưng lúc này, nhiều doanh nghiệp "đóng băng" thì gần như không có con số để nộp nên rất cần được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong những tháng giãn cách", ông Khánh kiến nghị.
Cũng đồng ý với quan điểm này, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM thông tin vừa rà soát khoảng hơn 50 doanh nghiệp hội viên, có hơn 4.000 lao động về nhu cầu tiêm vaccine. Gần một tháng qua, doanh nghiệp vận tải Thành phố, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh taxi "không làm ăn được gì". Vậy nhưng, ngoài chi phí thuê mặt bằng, những khoản phí khác như bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn phí vẫn phải đóng đều đặn.
"Tôi kiến nghị miễn luôn bảo hiểm xã hội, công đoàn... cho doanh nghiệp một vài tháng. Doanh nghiệp không có thu nhập thì lấy đâu ra nộp thuế thu nhập. Đấy là những khoản cơ bản mà chưa sòng phẳng với doanh nghiệp thì đòi hỏi gì những hỗ trợ khác", ông Quản nêu quan điểm.
Hỗ trợ tín dụng cho chi phí vận hành
Theo ông Nguyễn Hoàng Văn - CEO Cua Ngon, doanh nghiệp này là một trong số đơn vị ở Thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp do đặc thù kinh doanh nhóm ngành dịch vụ. Dù doanh số chỉ còn khoảng 20%, nhưng riêng tại TP.HCM, ông Hoàng Văn cho biết Cua Ngon có 4 mặt bằng, chi phí thuê gần 200 triệu đồng mỗi tháng. "Đây là khoản chi phí vận hành cố định dù có doanh thu hay đóng cửa", ông bày tỏ. Do vậy, trong tình hình hiện nay, ông cho rằng doanh nghiệp cần nhất là sự hỗ trợ về vốn để cầm cự. Đó là gói tín dụng chi phí vận hành doanh nghiệp. Ông giải thích rõ hơn: "Đợt dịch lần này chủ nhà không còn hỗ trợ giảm giá mặt bằng cho chúng tôi nữa. Đây là gánh nặng cho doanh nghiệp khi doanh thu sụt giảm do giãn cách xã hội. Nếu các ngân hàng đưa ra gói tín dụng thì hãy hỗ trợ trực tiếp khoản chi phí vận hành này với mức lãi suất tương đương lãi suất huy động hiện nay là vừa sức với các doanh nghiệp".
Trong cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố mới đây, UBND TP.HCM thông tin sẽ kiến nghị xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021. Đồng thời, phối hợp Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp trong hai năm.
Được biết, hiện nay một số ngân hàng đang áp dụng gói tín dụng lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất huy động, nhưng áp dụng cho khoản vay mua nguyên liệu đầu vào sản xuất. Theo ông Nguyễn Hoàng Trọng - Phó giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh (Nhà Bè), doanh nghiệp đang được Vietcombank cho vay gói tín dụng lưu động, lãi suất chỉ 4,5% trong 6 tháng để mua giấy, bao bì sản xuất ly, hộp nhựa. Tuy nhiên, gói này chưa chắc đã hỗ trợ được các doanh nghiệp dịch vụ như Cua Ngon. Ông Nguyễn Hoàng Văn lý giải, trong thời gian giãn cách hầu như không bán được hàng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có nhu cầu nhập nguyên liệu. Chưa kể, đặc thù hàng thực phẩm hạn sử dụng ngắn ngày, nếu để nguyên liệu tồn kho thì chỉ có đổ bỏ. Do đó, với nhóm dịch vụ, ngân hàng cần cho vay gói chi phí vận hành để trả mặt bằng, lương, phúc lợi cho nhân viên.
"Lúc này ngân hàng mà đồng hành với doanh nghiệp, giúp họ sống sót, vượt qua khó khăn thì sau này ngân hàng mới tồn tại được", ông Văn nói và kiến nghị gói vay hỗ trợ này cần duy trì ít nhất một năm mới thực sự hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. "Bởi dịch vụ, du lịch làm sao phục hồi kịp trong 6 tháng tới? Nếu chỉ hỗ trợ vay ngắn hạn 6 tháng, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi đã đến thời gian đáo hạn".
Minh Tú
0 nhận xét :
Đăng nhận xét