Thời gian vừa qua, xu hướng thị trường chứng khoán (TTCK) tăng ngược chiều với nền kinh tế không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở hầu hết quốc gia khác.
Tăng trưởng GDP quý I/2021 của Việt Nam đạt 4,48%, trong khi chỉ số VN-Index tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, cao gấp nhiều lần tăng trưởng kinh tế.
Năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, còn chỉ số VN-Index dù trải qua đợt suy giảm trong tháng 3 nhưng kết thúc năm vẫn tăng 15%.
Đem tốc độ tăng trưởng GDP so sánh với đà tăng trưởng của chỉ số chứng khoán là khá khập khiễng, nhưng diễn biến TTCK dường như đang lệch pha với nền kinh tế, đã gây ra không ít lo ngại. Tuy nhiên, xu hướng TTCK tăng ngược chiều với nền kinh tế không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các quốc gia trong thời gian qua.
Cụ thể, kinh tế Trung Quốc quý I/2021 tăng tới 18,3%, nhưng chỉ số CSI300 còn tăng mạnh hơn, 65,1% so với cùng kỳ 2020, gấp 3,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. GDP của Mỹ dù quý I chỉ tăng 0,4% nhưng chỉ số Dow Jones tăng hơn 39%, còn S&P500 tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm trước. GDP của Nhật Bản giảm 1,8%, trong khi chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 60% và đã lập đỉnh 30 năm, vượt mốc 29.000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 1990. Riêng Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng đã phá đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm và đang thiết lập những đỉnh cao mới gần đây.
Rủi ro bong bóng tài sản hiện nay không phải là thiếu cơ sở, nhất là khi không chỉ TTCK mà các loại hàng hóa, kênh đầu tư khác giá cũng tăng vọt trong hơn một năm qua. Mặt bằng lãi suất ngân hàng liên tục xuống thấp đã thúc đẩy dòng tiền gửi tiết kiệm từ ngân hàng chuyển sang TTCK, cộng thêm kinh tế trì trệ do dịch Covid-19, nhiều người có vốn không kinh doanh được, đã tìm kiếm các kênh đầu tư khác và chứng khoán đã được chọn.
Rủi ro bong bóng tài sản hiện nay không phải là thiếu cơ sở, nhất là khi không chỉ TTCK mà các loại hàng hóa, kênh đầu tư khác giá cũng tăng vọt trong hơn một năm qua.
Hệ quả là một lực lượng nhà đầu tư F0 ra đời, thể hiện qua số lượng tài khoản mở tại các công ty chứng khoán liên tục tăng từng tháng từ năm ngoái đến nay. Chính phủ từng đặt mục tiêu nâng số lượng nhà đầu tư trên TTCK đạt mức 3% dân số, nhưng có lẽ không ngờ chính dịch bệnh bùng phát đã góp phần đưa mục tiêu này thành hiện thực. Tính đến cuối tháng 5 vừa qua đã có hơn 3,25 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm gần 3,4% dân số.
Sự lệch pha của TTCK và nền kinh tế nếu có diễn ra cũng là điều tất yếu, khi TTCK vốn được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế và thường có phản ứng trước khoảng 6 tháng. Nói cách khác, diễn biến tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung là phản ánh về kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi trở lại.
Một số quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng và chương trình tiêm vaccine có kết quả tốt làm cho guồng quay sản xuất, tiêu dùng phục hồi thể hiện qua lạm phát tăng, khiến ngân hàng trung ương tính đến việc sớm thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại. Như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây cho biết có thể sớm tăng lãi suất từ năm 2023 với dự kiến có hai lần tăng.
TTCK đi nhanh hơn tăng trưởng GDP cũng là điều dễ hiểu, do trước triển vọng tích cực của kênh đầu tư này từ năm ngoái đến nay, không chỉ dòng tiền gửi tiết kiệm chuyển sang, mà dòng tiền từ nền kinh tế ngầm, từ các tài sản vốn nằm dưới dạng vàng hoặc ngoại tệ tích trữ, một phần đã chuyển sang chứng khoán. Trong khi đó, GDP của Việt Nam hiện nay được cho là chưa phản ánh hết quy mô của nền kinh tế vì vẫn chưa thống kê được giá trị của các khu vực kinh tế ngầm.
Minh Ngọc
0 nhận xét :
Đăng nhận xét