Vốn ngân hàng bơm cho chủ đầu tư bất động sản tăng mạnh

Tới cuối tháng 9, cho vay lĩnh vực bất động sản tăng hơn 6%, trong đó, riêng dư nợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản của các chủ đầu tư tăng hơn 20%.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố sáng nay, trước thềm Hội nghị trực tuyến về việc triển khai công điện của Thủ tướng để gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Theo đó, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tới 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng sử dụng chiếm 64%, dư nợ với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.

Theo tỷ trọng này, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt khoảng 986.400 tỷ đồng. So với năm 2022, cả tỷ trọng và tăng trưởng của phân khúc này đều tăng mạnh.

Năm trước, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản - khoản cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án - chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, với quy mô đến cuối năm 2022 khoảng 800.000 tỷ đồng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng khoảng 22%.


Trên báo cáo tài chính các ngân hàng, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản cũng chiếm tỷ trọng cao trong nhóm những nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong 9 tháng. Như Techcombank, dư nợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản đến cuối quý III là hơn 160.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. "Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn đã dần phát huy hiệu quả", Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, bất động sản còn đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nhiều tồn tại đã kéo dài như vướng mắc về thủ tục pháp lý, mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, nhu cầu thị trường tại một số phân khúc sụt giảm mạnh, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn bên ngoài (vốn vay, trái phiếu), mặt bằng giá nhà cao.

Đầu năm nay, trong cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, nhà điều hành không siết chặt tín dụng bất động sản và xem nhu cầu vay (không nhằm để kinh doanh bất động sản) bình đẳng như các lĩnh vực khác.

Ngân hàng Nhà nước khi đó cho biết vẫn cấp tín dụng cho bất động sản với mức tăng trưởng cao và dư nợ lớn trong năm 2022. Với các dự án, phương án vay vốn khả thi, giới ngân hàng cho vay theo đúng quy định. Nhà điều hành chỉ kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng với một số phân khúc bất động sản có rủi ro cao như đầu cơ, kinh doanh phân khúc lớn có tính đầu cơ dẫn đến tình trạng bong bóng.

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị nhằm triển khai công điện của Thủ tướng ngày 24/10, yêu cầu sớm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản, đặc biệt các dự án có tác động lan tỏa.

Kể từ khi thị trường bất động sản gặp khó từ 2022, đến nay, Thủ tướng đã nhiều lần ra chỉ đạo gỡ khó cho bất động sản. Tuy nhiên, Công điện mới của Thủ tướng cho biết, thị trường vẫn gặp khó khăn, còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý, giao đất, định giá, thị trường vốn. Các thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, tiếp cận tín dụng vẫn chưa thuận lợi.

Minh Sơn
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét