Hôm 7/12/2022, Trung tâm Xúc tiến thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan (KIGCP) phối hợp Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI - HCM) tổ chức Giao lưu thương mại Việt Nam – Ba Lan và giới thiệu chương trình “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” nhằm giới thiệu, quản bá các sản phẩm thực phẩm Ba Lan đến thị trường Việt Nam.
“Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” là chương trình do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm và đồ uống của châu Âu ra thế giới. Trong khuôn khổ chương trình này, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam và Cục Đầu tư & Thương mại Ba Lan (PAIH), Trung tâm Xúc tiến thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan (KIGCP) dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Ba Lan sang khảo sát thị trường Việt Nam trong tháng 12/2022. Theo đó, KIGCP phối hợp với Hiệp hội các nhà giết mổ thịt và các nhà sản xuất thịt nguội Ba Lan, Liên đoàn quốc gia các nhà sản xuất rau quả Ba Lan và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI HCM) tổ chức buổi họp báo giới thiệu chương trình “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” và giao lưu thương mại Việt Nam – Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống.
Trong phiên họp báo, đại diện của Trung tâm Xúc tiến thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan chủ trì và phối hợp với các bên liên quan giới thiệu về chương trình quảng bá “châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” và các hoạt động của Đoàn doanh nghiệp Ba Lan tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình này.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-HCM, cho biết trong suốt 7 thập kỷ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ban Lan luôn được củng cố không ngừng về mọi mặt, trong đó có quan hệ thương mại và đầu tư.
Đặc biệt, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng tác động tích cực đến quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Ba Lan.
Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Đông Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài EU. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ba Lan đạt trên 1,6 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt trên 1,4 tỷ USD và giá trị nhập khẩu từ thị trường này đạt gần 200 triệu.
Việt Nam xuất siêu sang Ba Lan nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Ba Lan đang tăng nhanh hơn giá trị xuất khẩu sang thị trường này, cho thấy cán cân thương mại đang dịch chuyển theo hướng cân bằng hơn.
Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm: hàng may mặc, giày dép thủy sản, hàng nông sản như ngũ cốc, cà phê. Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc hay mỹ phẩm. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.
Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: gạo, cá tra, cá basa, tôm, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo, cà phê, hạt điều… Ngược lại, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU.
Theo ông Alexander Nowakowski, Bí thư thứ 3 phụ trách kinh tế Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, lý do mà các doanh nghiệp Ba Lan đặc biệt quan tâm và lựa chọn Việt Nam làm điểm đến để giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao của mình là Việt Nam nằm trong khu vực thị trường sôi động của khu vực Đông Nam Á và có những cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển thương mại.
Ngoài ra, Việt Nam có tình hình kinh tế chính trị ổn định, đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, là quốc gia tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Hoạt động thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan được hỗ trợ đắc lực bởi các cam kết trong EVFTA sẽ giúp sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Piotr Harasimowicz, Trưởng phòng đại diện Thương vụ Ba Lan tại Việt Nam, cho biết để xúc tiến việc đưa các sản phẩm Ba Lan vào Việt Nam, các doanh nghiệp thực phẩm Ba Lan đang đẩy mạnh quảng bá chiến dịch "Châu Âu đầy hương vị-truyền thống và chất lượng." Đây là chương trình do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm và đồ uống của châu Âu ra thế giới.
Nối tiếp chương trình họp báo là phiên giao lưu thương mại giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Tham dự chương trình có 8 nhà cung cấp đến từ Ba Lan và trên 30 doanh nghiệp Việt Nam là các nhà nhập khẩu, nhà phân phối trong lĩnh vực này. Đây là cơ hội tốt để hai bên cùng trao đổi trực tiếp các vấn đề hai bên cùng quan tâm nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Thanh Trúc
0 nhận xét :
Đăng nhận xét