Vốn ngoại vẫn chảy mạnh vào "công xưởng" Việt

Dù chịu ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 trong năm ngoái và biến chủng Omicron 3 tháng đầu năm nay, dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.


Ngày càng nhiều 'ong chúa' đến Việt Nam

Chỉ 4 tháng đầu năm, hàng tỷ USD chảy về Việt Nam để xây nhà máy mới hoặc mở rộng năng lực sản xuất thông qua nhiều tên tuổi lớn.

Chẳng hạn, Tập đoàn Fuchs - nhà sản xuất dầu nhớt có kinh nghiệm hơn 90 năm của Đức, công bố xây nhà máy mới tại Bà Rịa Vũng Tàu, hay Tập đoàn LEGO chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư quy mô 1 tỷ USD cho nhà máy tại Bình Dương.Có thể nói, Việt Nam là nước hưởng lợi chính từ việc tái phân bố hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.

Sự xuất hiện của các công ty FDI khổng lồ, hay còn gọi là Queen Bees - "ong chúa", đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở sản xuất từ hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh và phụ trợXu hướng tăng đầu tư vào Việt Nam từ nhóm FDI cũng có thể nhìn thấy rõ hơn ở trào lưu đẩy mạnh hoạt động của các khu công nghiệp.

Đầu năm nay, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW) - nhà phát triển bất động sản (BĐS) công nghiệp hàng đầu Việt Nam, mua lại khu đất đắc địa có tổng diện tích đất 7,4 ha, nằm trong Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (Quảng Ninh) để xây nhà xưởng, đón đầu khách thuê nhắm đến khu vực gần cảng thay thế Hải Phòng.

Trong tháng 3/2022, BW cũng đánh dấu sự hiện diện tại Long An khi công bố quỹ đất mới 20,9 ha tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 và 22,3 ha tại Khu công nghiệp Xuyên Á. Khu công nghiệp Xuyên Á chỉ cách tổ hợp thương mại điện tử của BW ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung chưa tới 10 km, nơi các đối tác chiến lược của BW đã vận hành thành công trong hơn 2 năm qua và hiện đang có nhu cầu mở rộng cơ sở của mình.

Ở cả 3 khu vực Bắc – Trung – Nam, hoạt động tìm kiếm, mở rộng, mua bán sáp nhập để tăng quy mô quỹ đất diễn ra liên tục và sôi nổi, với không chỉ là khối ngoại như BW mà cả các công ty BĐS công nghiệp nội địa. Nhu cầu BĐS công nghiệp thực tế đang quay lại mạnh mẽ, sau khi chững lại từ tháng 4 năm ngoái khi Covid-19 bùng phát nghiêm trọng.

Việt Nam vẫn là "ngôi sao" hút vốn ngoại

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/4/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lý do là Omicron xuất hiện, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời trong các nhà máy. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng có những giải pháp để khắc phục khó khăn do biến chủng mới gây ra, trong khi đó, các yếu tố vĩ mô khác vẫn ổn định, kỳ vọng phục hồi nhanh.

Thực tế suốt 3 năm qua, thị trường Việt Nam hưởng lợi khi chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, dịch chuyển và dần trở thành "công xưởng" mới của khu vực. "Việt Nam hiện đã từ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, kết hợp với tỷ lệ phủ vaccine lên đến 90% dân số trưởng thành. Do vậy, chúng tôi tin vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ chỉ kéo dài tới cuối quý II năm nay", bà Lương Thị Ngọc Tú - Giám đốc Phát triển kinh doanh BW, chia sẻ.

Cùng với lợi thế kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam được đánh giá là "ngôi sao" thu hút dòng vốn quốc tế, với những lợi thế riêng khi so sánh với các quốc gia đối thủ tại Đông Nam Á khác. Chẳng hạn, theo báo cáo về ngành BĐS công nghiệp đầu năm 2022 của Công ty Chứng khoán SSI, giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước khu vực, thấp hơn từ 20-33% so với Indonesia và Thái Lan - các đối thủ trong thu hút dòng FDI.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Savills tháng 3/2021, tỷ lệ chi phí (gồm chi phí nhân công nhà kho tính theo giờ, giá điện tính theo kw/h và giá dầu tính theo lít) tại Hà Nội và TP.HCM là thấp nhất trong số dữ liệu của 54 thành phố ở 21 quốc gia.

Một yếu tố vĩ mô dài hạn khác là các hiệp định thương mại tự do tiến bộ với các đối tác lớn trên thế giới như CPTPP, EVFTA hay RCEP. Nếu EVFTA giúp mở cửa thị trường với các đối tác lớn từ châu Âu, thì RCEP có hiệu lực từ đầu năm 2022 được đánh giá sẽ giúp công ty Việt mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng, đồng thời sẽ giúp thu hút nguồn vốn từ nhóm 15 nước thành viên RCEP.

Khải Hoàng 
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét