Lộ diện tiến sĩ hàng không “con nhà người ta” khiến các sếp tranh giành quyết liệt

Tiếp nối ở khung phát sóng quen thuộc, tập 3 của chương trình truyền hình thực tế về việc làm mùa 3 tiếp tục phục vụ khán giả vào lúc 12g00 trưa thứ Bảy, 20/11/2021.

MC Thành Trung vẫn là người dẫn dắt quen thuộc của chương trình. Tập 3 Cơ Hội Cho Ai vẫn là sự hiện diện của 6 sếp quyền lực là những người trao cơ hội việc làm cho các ứng viên, bao gồm: Sếp Lê Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA); Sếp Lưu Nga, Chủ tịch HĐQT - Nhà sáng lập Công ty TNHH Thời trang ELISE; Sếp Lê Trí Thông, Phó Chủ Tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá Qúy Phú Nhuận (PNJ); Sếp Nguyễn Trung Dũng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị & Tổng Giám Đốc Công Ty Cổ Phần DH FOODS; Sếp Lê Hùng Anh, CEO BIN CORPORATION GROUP và Sếp Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom.

Cặp ứng viên đối đầu trong tập 3 là

Nguyễn Trung Hiếu, 36 tuổi, đang theo học Quản trị Kinh doanh MBA tại Đại học Sunderland (Anh Quốc). Nam ứng viên sở hữu lý lịch “khủng”: Kỹ sư, thạc sĩ nâng cao tại Pháp, Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không – Viện công nghệ cao Canada. Anh có 10 năm kinh nghiệm học tập và làm dự án tại các tập đoàn lớn tại Pháp, Canada, Mỹ và Việt Nam. Bên cạnh đó, anh còn đạt những thành tích đáng ngưỡng mộ: Giải nhì Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam năm 2008, chuyên viên và Leader xuất sắc tại viện công nghệ cao Canada năm 2016, 2017.


“Về bản thân, em có thể tóm gọn trong một số từ: Đa quốc gia, đa bậc học, đa ngôn ngữ, đa môi trường làm việc. Về đa quốc gia, em theo học ngành Kỹ sư tại Việt Nam, Thạc sĩ nâng cao tại Pháp, Tiến sĩ tại Canada. Và hiện tại đang theo học cuối tuần Full time MBA tại một trường của Anh tổ chức tại Việt Nam. Với những kỹ năng, kiến thức và sự cầu thị, em rất mong đóng góp sức mình cho hệ sinh thái của các sếp ở các mảng: Công nghệ, Tối ưu vận hành, Quản lý dự án trong và ngoài nước. Với kinh nghiệm đa ngành, em cũng mong có thể làm vị trí Trợ lý cho các sếp” – Trung Hiếu chia sẻ.

Đối thủ của Trung Hiếu là Hoàng Bích Thu, 45 tuổi, Cử nhân khoa Quản lý Du lịch và Khách sạn tại Đại học Dân lập Phương Đông. Cô đã tốt nghiệp giảng viên đại học, cao đẳng K2 năm 2020 tại trường đại học Sư phạm Hà Nội 2. Hiện tại, nữ ứng viên đang theo học Thạc sĩ điều hành cao cấp – Quản lý kinh tế lãnh đạo nhà nước khóa 10 tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Bích Thu có 5 năm kinh nghiệm về các dự án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái; 10 năm kinh nghiệm về đạo tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu niên. Ngoài ra, cô còn có 8 năm kinh nghiệm về quản lý nghiệp vụ buồng, phòng khách sạn Quốc tế.



“Người phụ nữ ở tuổi 45 như mình thường có suy nghĩ an phận thủ thường, dừng lại tại đây, nhưng đối với mình đây là cơ hội đổi đời, cơ hội cho mình vươn lên trong cuộc sống, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Ước mơ sẽ được thực hiện khi mình có niềm tin cháy bỏng” – Nữ ứng viên U50 khẳng định.

Bên cạnh đó, khi giới thiệu bản thân với 6 sếp, Bích Thu cũng chia sẻ sứ mệnh của mình là vì người phụ nữ Việt, truyền cảm hứng để họ có thể tự tin, tự chủ trong cuộc sống, trong việc làm kinh tế. “Tham vọng của em khi đến đây ngày hôm nay là bày tỏ quan điểm sống về người phụ nữ Việt Nam ở trong thời đại công nghệ mới” – Nữ ứng viên cho biết.

Vòng 1 – Đối mặt

Câu hỏi phản biện được đặt ra cho cặp đôi ứng viên ở vòng Đối mặt là: “Quan điểm ‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’ có còn phù hợp với thời đại ngày nay hay không?”.

Là người trình bày quan điểm trước, Bích Thu hoàn toàn đồng tình với câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tuy nhiên, theo cô, bên cạnh việc gìn giữ những giá trị cổ xưa mà ông cha truyền lại, thì để phù hợp với thời đại, nên lồng ghép, áp dụng công nghệ 4.0 vào.

“Đối với em, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” không còn đúng với thời đại ngày nay” – Trung Hiếu bày tỏ ý kiến theo chiều đối nghịch. Theo nam ứng viên, chúng ta nên giỏi chủ chốt 1 nghề, song song đó phải không ngừng học hỏi để giỏi thêm nhiều nghề khác, để có một cái nhìn khái quát hơn. “Elon Musk rất giỏi về công nghệ, nhưng cũng làm kinh tế giỏi. Đó là vì ông không ngừng học hỏi để cạnh tranh với các đối thủ của mình” – Trung Hiếu bổ sung.

Nam ứng viên 36 tuổi đặt câu hỏi phản biện cho đàn chị ngay sau đó: “Công nghệ 4.0 bao gồm rất nhiều thứ như công nghệ, nhân lực, sinh học, như vậy mình phải hiểu rất nhiều ngành khác nhau. Vậy quan điểm ‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’ như chị chia sẻ có còn phù hợp nữa hay không?”.



“Công nghệ 4.0 ở đây bao gồm con người, sản phẩm. Các sếp đưa sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp họ như thế nào phù hợp với yếu tố con người và chạm đến yếu tố cảm xúc. Tôi tin rằng ‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’ là yếu tố tiên quyết, quan trọng là sản phẩm nòng cốt, nhưng trong sản phẩm đấy phải có cái văn hóa, truyền thống cha ông để lại” – Bích Thu trả lời.

Ngay sau đó, nữ ứng viên 7x đặt câu hỏi ngược lại cho đối thủ: “Bạn cho rằng ‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’ không còn phù hợp với thời điểm này. Vậy thời điểm này nên đẩy mạnh cái gì, nếu chúng ta không dựa vào giá trị nòng cốt của văn hóa đất nước?”.

“Không phải em không tôn trọng các giá trị truyền thống nhưng ở thời điểm này em không còn đồng tình nữa. Hiện tại là thế giới phẳng, khi đưa sản phẩm ra ngoài phải lưu ý rất nhiều vấn đề, chất lượng sản phẩm có tốt hay không, marketing như thế nào, phải nghiên cứu đối thủ. Ý của em là chúng ta phải am hiểu nhiều nền tảng tri thức khác nhau. Nếu kỹ sư chỉ tập trung vào công nghệ mà không hiểu tiếp thị thì đôi khi sẽ không bán được hàng” – Trung Hiếu đáp lời.

Kết thúc phần hỏi đáp của 2 ứng viên, Sếp Thuấn là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Bích Thu: “Doanh nghiệp khi làm kinh tế, ngoài mục đích cộng đồng ra thì phải có lợi nhuận, mới tái đầu tư, phát triển và mở rộng được. Nhưng anh thấy sứ mệnh của em có vẻ đi ngược. Không biết ở những doanh nghiệp trước đây, em đã đóng góp những giá trị gì để tăng được doanh thu, hoặc giảm chi phí để đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp?”.

“Hiện giờ em đang làm cho một công ty chuyên về các kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên. Năm 2010, em được tiếp cận với dự án ‘5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt’, trong quá trình đó, em đã tiếp xúc với rất nhiều chị em phụ nữ. Và các chị em khi tập trung sự nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều rào cản. Từ câu chuyện của mình, em mong muốn họ sẽ được chữa lành các nỗi đau đấy, trở nên vô cùng tuyệt vời khi cống hiến cho xã hội. Doanh nghiệp thứ hai em làm quản lý buồng phòng. Quan điểm của mọi người đối với công việc buồng phòng là các bạn chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, trình độ văn hóa không được tốt. Em đã truyền cảm hứng để các bạn yêu nghề và tôn vinh đó là 1 nghề tốt đẹp của xã hội” – Nữ ứng viên đáp lời.

Câu hỏi tiếp theo của sếp Thuấn dành cho Trung Hiếu: “Ở những doanh nghiệp trước đây, em đã đóng góp tăng doanh thu hoặc giảm chi phí như thế nào?”.



“Em chia sẻ về 2 doanh nghiệp mà em đã từng làm ở Việt Nam. Đầu tiên là một tập đoàn về xe hơi, khi em vào thì có 1 dự án bị đình trệ từ 4-6 tháng. Một anh giám đốc đã giao cho em quản lý dự án và em đã xây dựng nên một cái module (tiêu chuẩn – PV) để dự án tiếp tục chạy. Em cũng quản lý bộ phận mô phỏng xe hơi, nên em đã góp sức vào việc thiết kế 2 bộ phận của xe hơi điện. Đến công ty thứ hai là một doanh nghiệp truyền thống lâu đời, muốn phát triển chi nhánh tại TP.HCM, từ đó phát sinh việc phải đi công tác, ai sẽ là nhân lực đi. Em quyết định chính bản thân em đi và sử dụng nguồn nhân lực từ những công ty con của tập đoàn tại TP.HCM, kết hợp với mình. Em có quyền huy động, áp dụng chính sách cần thì mình rút người, không cần thì lại trả về các công ty con, và hiện nay chi nhánh cũng đã thành hình. Em nghĩ rằng mình không đong đếm được mình đã mang lại bao nhiêu tiền bạc, nhưng sẽ có được lợi nhuận là độ ổn định của đội ngũ nhân sự, không bị xáo trộn do nhiệm vụ từ trên giao xuống” – Trung Hiếu chia sẻ.

Sếp Tiến là người tiếp theo chất vấn chàng tiến sĩ hàng không: “Tôi đọc CV của bạn rất ấn tượng, nhưng ấn tượng không được tốt. Trong vòng 10 năm trở lại đây, bạn đã thay đổi 6-7 công việc khác nhau. Tôi muốn giao cho bạn việc quan trọng nhưng với tốc độ thay đổi công việc như vậy thì tôi lo khi nhận việc bạn không theo đuổi đến cùng, tôi lại phải tìm người khác thay bạn. Làm sao để thuyết phục được tôi chuyện đấy?”.

“Khi ở nước ngoài em chỉ theo đuổi 2 cái thôi, tùy thuộc vào bậc học. Khi học thạc sĩ chẳng hạn, em làm ở 2 công ty, nhưng 2 công ty đấy lại liên kết với trường đại học. Khi sang Canada, em làm ở 3 công ty, nhưng thực chất chỉ làm ở 1 công ty, sau đó công ty này chọn những dự án liên quan đến em để em có thể độc lập tác chiến với họ. Về Việt Nam, em chỉ làm 2 doanh nghiệp, 1 doanh nghiệp tư nhân, 1 nhà nước. Bản thân em làm ở Hà Nội, bà xã em làm ở Sài Gòn. Bà xã em là gốc Sài Gòn. Bọn em gặp nhau ở nước ngoài. Từ lúc yêu nhau, kết hôn, có con chưa bao giờ em ở gần bà xã quá 1 tháng liên tục. Khi có ý định có bé thứ 2 thì em nghĩ tại sao mình phải bôn ba như vậy, nhiều lúc 1 mình bà xã em không cáng đáng được, mình không chăm sóc được cho gia đình, mình phải trở về gần gia đình” – Trung Hiếu trải lòng.

Bày tỏ sự đồng cảm với hoàn cảnh của nam ứng viên, sếp Thông tiếp lời: “Tôi rất chia sẻ với câu chuyện chồng một nơi, vợ một nơi. Tôi từng có 200 đêm ngủ tại khách sạn trong 1 năm. Tôi rất ấn tượng với hồ sơ của bạn. Tôi muốn hỏi bạn dự tính tìm kiếm công việc bao xa so với năng lực tiến sĩ cơ khí hàng không? Nếu bây giờ bạn đi ra khỏi cái mà bạn đã đầu tư 10 năm vừa rồi thì bạn chấp nhận đi xa khoảng bao xa?”.

“Bao xa thì mình cố gắng hết mình để bơi đi xa nhất. Còn xa được bao nhiêu thì phải xem bản thân mình có bơi được mạnh hay không. Thực ra khi em học không chỉ vì để học, mà vì yêu cầu công việc nên phải đi học. Cái thử thách mới là cơ hội cho mình, còn nếu an toàn quá thì đó không phải cơ hội nữa. Nói về đi bao xa thì em có 1 ước mơ, bây giờ thì em chưa tới, các sếp ở đây đều là chủ tịch hội đồng quản trị, em sẽ học hỏi từ các sếp để trở thành giám đốc vận hành, mua cổ phiếu của công ty và trở thành cổ đông của công ty” – Trung Hiếu cho biết.

Kết thúc vòng Đối mặt, Trung Hiếu nhận được 5/7 bình chọn, Bích Thu nhận được 2/7 bình chọn. Trung Hiếu giành chiến thắng trước đối thủ và bước tiếp vào vòng thi thứ 2 – Vòng chinh phục.

Vòng 2 – Chinh phục

Ở vòng Chinh phục, Trung Hiếu nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc “vali bí mật” mà ban tổ chức cung cấp. Sau đó, 6 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế của ứng viên

Sếp Dũng đặt câu hỏi tìm hiểu ứng viên: “Bạn có sẵn sàng chuyển sang ngành thực phẩm không? Thực ra gọi là thực phẩm nhưng bạn sẽ vào vị trí phó giám đốc về công nghệ, phụ trách triển khai những phần mềm quản trị doanh nghiệp, bạn có làm được không?”.

“Em nghĩ em hoàn toàn có thể làm được” là câu trả lời khẳng định của Trung Hiếu.




Sếp Tiến tiếp lời để thăm dò ứng viên ưng ý: “Ban đầu tôi nghĩ bạn là ‘máy học’, hóa ra bạn học để phục vụ việc đi làm. Tôi có lời đề nghị liên quan đến dự án hiện nay có hàng triệu người Việt dùng mỗi ngày và chúng tôi muốn đưa nó lên một tầm khác bằng công nghệ. Nếu bạn sẵn sàng thì chúng ta sẽ trao đổi nhiều hơn”.

Là CEO của một doanh nghiệp đa lĩnh vực làm việc chủ yếu với đối tác nước ngoài, sếp Hùng Anh đặt câu hỏi có yếu tố liên quan: “Khó khăn lớn nhất khi bạn làm việc và sinh sống tại nước ngoài là gì?”.

Hồi tưởng lại quãng thời gian quá khứ, Trung Hiếu bộc bạch: “Em sinh ra ở Thái Bình, ba mẹ đều là công nhân viên chức, nên việc du học hoàn toàn do em săn học bổng. Khó khăn thứ nhất là về mặt chi phí. Khi đi học đại học, em học chương trình liên kết bằng tiến Nga. Sau khi ra trường em may mắn có học bổng bằng tiếng Pháp tại một trường đại học rất danh giá, nên chi phí bị đội lên rất nhiều. Do đó, em phải đi kiếm một học bổng toàn phần nữa. Thứ hai là về mặt ngôn ngữ, tính ra là mình ‘học xổi’ 8 tháng, 1 năm để đạt cái ngưỡng lấy được học bổng. Đôi khi em học công nghệ nhưng em không hiểu người ta đang nói tiếng Pháp hay tiếng gì cả. Khi sang Canada lại là một môi trường song ngữ Anh và Pháp. Rất khó khăn”.

Sếp Thông đặt ra thử thách cho ứng viên: “Chúng tôi là một công ty về trang sức, phần giao nhau rất nhỏ với bạn liên quan đến xử lý kim loại, gia công bề mặt kim loại. Bằng những kinh nghiệm của bạn, nếu bạn mang nó đến PNJ, giá trị mà bạn mang đến ngành này là gì?”.

“Có 2 vấn đề em có thể hỗ trợ được sếp. Thứ nhất là đồng nhất về mặt kim loại, độ bền so với thời gian, chống oxy hóa so với môi trường. Cái thứ hai là tối ưu hóa về mặt vận hành sao cho tiết kiệm lớn nhất cho doanh nghiệp của mình” – Nam ứng viên 8x lý giải.

Sếp Nga chất vấn Trung Hiếu ngay sau đó: “Công nghệ sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi. Bạn có thể offer cơ hội nào để kết hợp giữa trình độ của bạn với sự thành công của chúng tôi trong tương lai?”.

Là một người đàn ông không quá quan tâm đến thời trang, nhưng Trung Hiếu không hề chần chừ khi đưa ra câu trả lời: “Đối với thời trang thì em chỉ có 1 ý tưởng là đẩy mạnh khâu bán hàng online. Bản chất của nó là platform (nền tảng – PV) và chất lượng của sản phẩm. Mình phải đa dạng hóa nhiều lựa chọn khác nhau cho khách hàng và lựa chọn đó phải được thể hiện ngay trên website của mình. Và Website phải chạy rất mượt. Mình cũng phải cập nhật thường xuyên mẫu mới, cũng như tình trạng hàng còn hay hết. Tiếp nữa là chăm sóc khách hàng, mình có thể lập ra trung tâm phone call (Tổng đài – PV) hoặc trên social network (Mạng xã hội – PV)”.

Sếp Thuấn là người cuối cùng đặt câu hỏi cho ứng viên: “Hiện nay anh đầu tư vào 3 mảng: Thực phẩm, dược phẩm và 1 nền tảng về phân phối. Nếu em tham gia vào doanh nghiệp của anh thì em sẽ tạo ra giá trị gì?”.

“Cái thứ nhất là em sẽ tối ưu hóa quá trình sản xuất dựa trên máy móc. Cái thứ hai là tối ưu hóa về mặt phân phối. Phân phối ở đây là đưa vật liệu về kho của mình và thứ hai là tối ưu hóa đường đi làm sao tiết kiệm được thời gian cũng như công sức của nhân công. Thứ ba là quản lý dự án liên quan đến các đối tác nước ngoài cũng như trong nước” – Trung Hiếu đưa ra ý kiến.

Hoàn thành phần hỏi – đáp, 6 sếp sẽ quyết định nhấn đèn xanh nếu hài lòng về ứng viên, nhấn đèn vàng là có điều còn băn khoăn và đưa ra lời cảnh báo cho ứng viên, nhấn đèn đỏ là không hài lòng và từ chối tuyển dụng.

Kết quả, Trung Hiếu sở hữu tất cả 6 đèn xanh, hoàn toàn đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – vòng Cơ hội cho ai.

Vòng 3 – Cơ Hội Cho Ai

Trước khi MC công bố mức lương kỳ vọng của Trung Hiếu, các sếp không ngừng tung chiêu để thuyết phục ứng viên ưng ý đầu quân.

Sếp Dũng là người đưa ra lời chiêu mộ đầu tiên: “Mình nghĩ mức lương đưa ra chỉ là mức khởi đầu. Dh Foods tăng trưởng 6 năm liên tục 50%, nên mức lương hàng năm dù không tăng 50% nhưng cũng sẽ tăng 2 con số. Bọn mình có rất nhiều dự án cho bạn triển khai. Nếu bạn hoàn thành dự án, công ty sẽ thưởng cho bạn 0,5% cổ phần công ty. Và 0,5% đó giá trị thực tế bao nhiêu cũng tùy thuộc vào bạn. Công ty có thể giá trị 1.000 tỷ hoặc nhiều hơn cũng là đóng góp của bạn. Đấy là offer của mình”.

Sếp Thuấn mô tả chế độ đãi ngộ hấp dẫn tại Bảo Ngọc: “Em phù hợp với vị trí quản lý nền tảng phân phối có liên quan đến công nghệ bên anh. Bên anh có hệ thống lương 3P (position: vị trí, person: năng lực, performances: kết quả) trả theo năm. Offer của anh cho em dự kiến là 700 triệu/ năm cộng với cổ phiếu ESOP (cổ phiếu sở hữu cho nhân viên). Hàng tháng em sẽ nhận 70%, 30% còn lại nhận theo quý hoặc nhận theo năm. Để nhận được thì em phải hoàn thành KPI do chính em tự xây dựng ra. Em hoàn thành trên 80% KPI thì sẽ nhận nốt số 30% còn lại và thưởng cổ phiếu ESOP”.


Sếp Hùng Anh chia sẻ ưu đãi “khủng” để thuyết phục Trung Hiếu về đội: “Hiện tại trong doanh nghiệp của tôi có mảng liên quan đến công nghệ Fintech (Công nghệ tài chính – PV), trong đó có rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có 1 mảng về Digital Banking (Ngân hàng số - PV), liên quan đến phần mềm và làm việc với các đối tác nước ngoài. Em sẽ vào quản lý bộ phận đó. Nếu lương cứng không thôi sẽ rơi vào tầm 47 triệu/ tháng. Ít nhất 14 tháng lương, cộng thêm doanh thu”.



Sếp Thông lại một lần nữa đặc biệt xây dựng một vị trí riêng cho ứng viên mà ông dành nhiều sự quan tâm: “Tôi may đo riêng cho bạn vị trí này không nằm trong cơ cấu tổ chức. Vị trí tôi đang nghĩ cho bạn đó là Quản lý dự án tối ưu hóa vận hành kiêm thêm trợ lý cho tôi trong dự án tối ưu hóa nhà máy. Nếu bạn hoàn thành xuất sắc thì thường sẽ nhận không dưới 16 tháng lương 1 năm. Đó là con số bắt đầu, chúng ta thiết kế 6 tháng review, nếu bạn hoàn thành xuất sắc, bạn hoàn toàn có thể cộng thêm từ con số đó 30% - 100% lương tùy theo khả năng của bạn. Ở cấp đó bạn vượt qua 1 năm, bạn nằm trong nhóm SMT (Senior management team: nhóm quản lý cao cấp – PV), bạn sẽ có cổ phiếu ESOP. Và giá trị của nó gấp nhiều lần số thu nhập 16 tháng. Và một offer khác là tôi sẽ trở thành Mentor (Người hướng dẫn – PV) cho bạn, bởi vì đây là ngành mới. Tôi cũng xuất thân là kỹ sư, là nhà khoa học rồi mới chuyển sang kinh doanh, nên tôi hiểu những khó khăn của bạn như thế nào”.

Mức lương kỳ vọng của Trung Hiếu là 45.000.000 đồng.

Chàng trai 36 tuổi nhận được 6 lời mời làm việc tại :

- BIN CORPORATION GROUP cho vị trí Phó giám đốc vận hành dịch vụ Fintech với mức lương 47.789.999 đồng

- Elise cho vị trí Trợ lý HĐQT với mức lương 50.000.000 đồng

- Bảo Ngọc cho vị trí Quản lý Dự án Nền tảng Phân phối với mức lương 46.000.000 đồng

- FPT Telecom cho vị trí Trợ lý Chủ tịch HĐQT quản lý dự án chiến lược với mức lương 44.441.289 đồng

- Dh Foods cho vị trí Phó giám đốc vận hành với mức lương 60.000.000 đồng

- PNJ cho vị trí Quản lý Dự án – Tối ưu hóa vận hành với mức lương 55.090.999 đồng

Vì offer mức lương thấp hơn kỳ vọng của ứng viên, sếp Tiến mất đi cơ hội tuyển dụng.

Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Trung Hiếu đặt câu hỏi cho các sếp: “Em xin được hỏi các sếp là nếu làm việc thì em sẽ làm tại đâu và thời gian phải đi công tác là như thế nào?”.

Sếp Thuấn giải đáp thắc mắc của ứng viên: “Nếu em về công ty anh thì 80% làm ở TP.HCM và 20% đi công tác nước ngoài và Hà Nội”.

Sếp Thông cung cấp thông tin: “Với vị trí này thì bạn làm việc phần lớn ở TP.HCM. Chúng tôi có 2 nhà máy, một nhà máy ở Gò Vấp, một nhà máy ở Long Hậu. Một năm thì bạn sẽ có khoảng 2 chuyến rời khỏi Việt Nam từ 2-3 tuần”.

Sếp Hùng Anh mô tả môi trường làm việc: “Nếu làm việc thì bạn sẽ làm ở quận 7 (TP.HCM). Cứ 3-4 tháng bạn sẽ đi công tác châu Âu, Mỹ một lần, mỗi lần từ 5-7 ngày”.

Khá bất lợi trong quá trình chiêu mộ ứng viên khi trụ sở chính của Elise nằm tại Hà Nội, sếp Nga tâm sự: “Hồi nãy giờ tôi vẫn đang nghĩ cách để biến cái bất lợi này thành có lợi. Vị trí này sẽ sát cánh bên tôi để làm việc với các đối tác lớn. Tôi rất muốn em ở gần tôi. Tất nhiên cũng có làm việc ở Tp.HCM, nhưng phần lớn tôi làm việc ở Hà Nội”.

Tung chiêu cuối để thuyết phục ứng viên, Sếp Hùng Anh đưa ra lời hứa hẹn sẽ “tặng nhà, tặng xe nếu bạn làm việc với tôi từ 3-5 năm”. Bên cạnh đó, vị sếp BIN Corporation Group cũng trải lòng về những đồng cảm với ứng viên để thuyết phục Trung Hiếu về đội: “Bạn với mình cũng xêm xêm tuổi với nhau, mình cũng xuất thân từ miền quê nghèo khó – Quảng Nam, mình từng thất bại liên tục. Mình cũng từng đi Pháp rất nhiều lần. Mình hiểu được khó khăn của người Việt Nam khi đi ra nước ngoài như thế nào. Khi bạn về với mình để đưa tên tuổi của thanh niên Việt Nam có những sản phẩm cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm của Âu Mỹ. Thanh niên trời tây làm được thì thanh niên Việt Nam cũng làm được”.

Không hề lép vế trước đồng đội ghế “nóng”, sếp Dũng chia sẻ thêm: “Nếu bạn về với Dh Foods thì 3-5 năm nữa, bạn sẽ mua nhà thứ hai, tự mua xe và vẫn còn nguyên cổ phiếu với giá trị lúc ấy sẽ rất lớn. Bạn sẽ làm việc ở TP.HCM là chắc chắn”.

Kết quả cuối cùng, Trung Hiếu đã quyết định lựa chọn đầu quân về BIN CORPORATION GROUP của sếp Lê Hùng Anh, cho vị trí Phó giám đốc vận hành dịch vụ Fintech với mức lương 47.789.999 đồng.

Nói về lý do lựa chọn đầu quân về đội sếp Hùng Anh, nam ứng viên 36 tuổi cho biết: “Sếp Thông và sếp Dũng đều đưa ra mức offer tốt, đồng thời tính chất công việc là tối ưu hóa quá trình sản xuất, thì đó chính là thế mạnh của mình. Việc chọn sếp Hùng Anh, thật ra có phần rủi ro hơn cho mình, lương cũng thấp hơn, đó là về mặt lương cứng. Tuy nhiên, mình nghĩ hiện tại thế giới đang chuyển hướng theo Chuyển đổi số. Mặc dù đầu quân về BIN Corporation Group có nhiều thách thức nhưng song song đó vẫn nhiều tiềm năng và cơ hội”.

Thanh Trúc
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét