Năm 2020 Hòa Bình gặp khó nhất trong 30 năm phát triển. Doanh nghiệp dự kiến thoái vốn, điều chỉnh quy mô tham gia của Hòa Bình tại các dự án và phấn đấu gia tăng số dự án trúng thầu.
Tại cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông trực tuyến chiều 21/6, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Lê Viết Hải cho biết doanh nghiệp có chủ trương thoái vốn từ các công ty con, công ty liên kết. Một số đơn vị có thể kể tới như Công ty chứng khoán Sen Vàng; chuyển nhượng Công ty Đầu tư Địa ốc Tiến Phát, Công ty sản xuất bê tông sợi thủy tinh...
Trong năm nay, ông Hải hi vọng chủ trương thoái vốn có thể giúp Hòa Bình thu về 500-800 tỷ đồng.
Năm 2020 được xác định là năm “khó khăn nhất của Xây dựng Hòa Bình trong suốt 30 năm hình thành, phát triển”, theo lời Chủ tịch Lê Viết Hải.
Giai đoạn 2018 – 2020, thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp phép xây dựng, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 khiến các chủ đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại nặng nề. Doanh nghiệp chuyên thi công các công trình xây dựng (đặc biệt là khách sạn khu nghỉ dưỡng…) như Hòa Bình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chủ tịch Hải cho biết nhiều nhà đầu tư đánh giá Hòa Bình khó có thể vượt qua được khủng hoảng, giá cổ phiếu có thể dưới 6.000 đồng/cp nhưng với tinh thần "cánh diều ngược gió", tập đoàn đã vượt qua khủng hoảng kép liên tục 3 năm qua.
Dù vậy, trên thực tế, thị giá cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình vẫn liên tục lao dốc. HBC đang giao dịch ở mức hơn 15.000 đồng/cp. Đến nay, dù triển vọng kinh doanh của HBC cải thiện, tuy nhiên cổ phiếu vẫn ở mức thấp khiến nhiều cổ đông đặt dấu hỏi về sự thao túng, làm giá?
“Không có ai đang thao túng cổ phiếu. Và nếu cổ đông biết thì xin thông báo với cơ quan chức năng. Ban lãnh đạo không làm điều này, chúng tôi mua bán cổ phiếu đều có thông báo chi tiết”, lãnh đạo Hòa Bình nhấn mạnh.
Thành viên HĐQT, ông Đặng Doãn Kiên cho hay, cổ phiếu HBC đi xuống là nỗi buồn với các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thị trường hiện cũng còn rất nhiều cổ phiếu có thị giá không bằng giá trị sổ sách, không riêng HBC. Ông Kiên lấy ví dụ về mã CTD của Coteccons đang thấp hơn giá trị sổ sách. Ông cho rằng việc dùng giá trị sổ sách để so sánh với giá thị trường sẽ không chuẩn. Một cổ phiếu khác là VCG của Vinaconex lại cao hơn giá trị sổ sách.
Trước đó, ông Lê Viết Hải từng hứa với cổ đông ủy quyền cho cố vấn cấp cao đưa ra tầm nhìn 3 năm sau giá HBC sẽ lên 68.000 đồng/cp. Tuy nhiên, đến nay, cổ phiếu HBC mới chỉ dừng ở 15.800 đồng/cp. Ông Lê Viết Hải cho rằng dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến đã ảnh hưởng đến các công trình, dự án thuộc ngành du lịch. Tình hình năm 2021 khả quan hơn nhưng thực tế doanh thu của HBC vẫn chưa thể cải thiện một cách nhanh chóng được.
Lãnh đạo Hòa Bình không phủ nhận doanh nghiệp làm ăn thuận lợi và thị trường tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn đi xuống đã ảnh hưởng ít nhiều tâm lý đến các nhà đầu tư. Tuy nhiên ban lãnh đạo vẫn sẽ cân nhắc việc có nên mua cổ phiếu quỹ hay không. Doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng sẽ không dễ dàng sử dụng nguồn vốn này để mua cổ phiếu quỹ.
Ông Kiên cũng phân tích, hiện nay các công ty khó mua cổ phiếu quỹ hơn bởi điều kiện là phải giảm vốn điều lệ. “Điều duy nhất mà HBC có thể khiến giá cổ phiếu tăng là gia tăng số dự án trúng thầu cũng như giá trị trúng thầu", ông Kiên nói.
Tuấn Tú
0 nhận xét :
Đăng nhận xét