Theo Tổng cục Thuế, các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành (ngân hàng phục vụ người mua), bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong thư tín dụng được thực hiện đúng và đầy đủ.
Nếu người mua không thanh toán đúng hạn, ngân hàng phát hành thực hiện cho vay bắt buộc đối với người mua để thanh toán cho người bán. Vì vậy, các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Hiện nay, khi các cơ quan chức năng thực hiện kiểm toán, thanh tra, một số tổ chức tín dụng cho rằng, thư tín dụng theo Luật các Tổ chức tín dụng là nghiệp vụ thanh toán, hoạt động dịch vụ, không phải bảo lãnh và cho vay. Do đó, một số ý kiến băn khoăn liệu cơ quan thuế và ngân hàng đã thực hiện đúng quy định về thuế GTGT với thư tín dụng chưa?
Trước băn khoăn này, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định.
Theo Tổng cục Thuế, quy định đó dựa trên kinh nghiệm của gần 200 nước áp dụng thuế GTGT, trong số đó đã có trên 50% quốc gia thực hiện thu dịch vụ thư tín dụng (vì hàng hóa dịch vụ trong một quốc gia, thì quốc gia đó có quyền thu thuế GTGT); đồng thời Tổng cục Thuế cũng căn cứ trên các quy định pháp luật của Việt Nam.
Tại Việt Nam, hiện nay cơ quan Thuế đang thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý Thuế.
Giải đáp băn khoăn của các tổ chức tín dụng, Tổng cục Thuế khẳng định việc thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT đối dịch vụ thư tín dụng là đúng luật. Theo đó, nếu đã là cho vay, đã là bảo lãnh ngân hàng thì chắc chắn không phải nộp thuế GTGT; nhưng nếu đó là dịch vụ thì phải thực hiện kê khai và nộp thuế theo luật định.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) chia sẻ, theo dõi hoạt động của nhiều ngân hàng, nhất là những tổ chức quản trị tốt như Vietcombank hay các ngân hàng tư nhân từ năm 2010 đã thực hiện phân định rõ trong tín dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế tại mỗi ngân hàng lại có phân định về thư tín dụng khác nhau. Do đó, cơ quan thuế đang phối hợp cùng ngân hàng xác định lại, thư tín dụng gắn với với tín dụng đơn thuần thì không cần nộp thuế, còn những giao dịch liên quan đến thanh toán thì phải nộp thuế GTGT. Các ngân hàng đều đang phối hợp mở lại sổ sách, dữ liệu để phân tích hoạt động thư tín dụng.
Đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn khẳng định, từ trước tới nay, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng luôn là những người nộp thuế chân chính. Ngoài ra, trong Luật Quản lý thuế có quy định người nộp thuế được tự khai, tự tính, tự nộp, tự chịu trách nhiệm với tờ khai của mình. Cơ quan thuế không can thiệp sâu vào việc tự khai của doanh nghiệp. Chỉ khi nào thanh tra, kiểm tra phát hiện sai sót thì mới hướng dẫn người nộp thuế.
Dưới góc nhìn của chuyên gia thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cho rằng, cần làm rõ khái niệm thư tín dụng là gì? Bởi hiện nay có hai cách hiểu về thư tín dụng: Một bên coi là một phương thức thanh toán, một bên lại coi đây là một hình thức bảo lãnh.
"Thư tín dụng nếu chỉ đơn giản là thanh toán và chịu thuế GTGT, thư tín dụng mà tính chất bảo lãnh thì không chịu thuế. Cần làm rõ cách hiểu để có thể đưa ra khuyến nghị", bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.
Thu Thủy
0 nhận xét :
Đăng nhận xét