Theo báo cáo từ IC Insight, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc sẽ vượt mặt Intel về doanh số trong quý II/2021.
Biểu đồ của IC Insight cho thấy trong khi doanh số của Intel ngày càng giảm, Samsung vẫn tăng lượng bán hàng đều đặn trong vài năm trở lại đây.
Trong quý I/2021, doanh thu mảng bán dẫn của Samsung là 17,1 tỷ USD, Intel là 18,7 tỷ USD. Theo ước tính của IC Insight, con số này của Intel sẽ giảm xuống còn 17,9 tỷ USD trong khi Samsung tăng lên 18,5 tỷ USD trong quý 2/2021.
Samsung từng vượt qua Intel về doanh số bán dẫn trong quý II/2017, kết thúc 24 năm thống trị của Intel trên thị trường bán dẫn. Tập đoàn Hàn Quốc giữ vị trí đầu bảng trong 6 quý trước khi nhường lại ngôi số 1 cho Intel.
Công ty Mỹ là "ông vua" làng bán dẫn từ quý IV/2018 đến nay và nhiều khả năng bị Samsung vượt mặt trong quý II/2021.
Cuộc đổi ngôi giữa Intel và Samsung phần nào phản ánh trật tự thế giới trong lĩnh vực bán dẫn hiện tại khi châu Á đang vượt Mỹ để cầm cờ tiên phong. Samsung Electronics của Hàn Quốc và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) của Đài Loan đang là hai thế lực mạnh hàng đầu. Mỹ từng là nước dẫn đầu, nhưng bây giờ tụt lại sau những thay đổi lớn về mô hình kinh doanh ngành bán dẫn thế giới.
Những công ty như Intel là nhà sản xuất thiết bị tích hợp, thiết kế và sản xuất chip của riêng mình. Sau đó, trên thị trường nổi lên nhiều hãng bán dẫn nổi tiếng khác, họ cũng thiết kế chip nhưng lại thuê sản xuất bên ngoài ở các xưởng gia công. Hai xưởng gia công chất bán dẫn lớn nhất thế giới hiện nay đều thuộc về châu Á, đó là TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Theo dữ liệu từ Trendforce, TSMC có 55% thị phần sản xuất bán dẫn và Samsung là 18%. Đài Loan và Hàn Quốc kết hợp chung chiếm hơn 70% thị trường toàn cầu về xưởng gia công, đây là minh chứng cho thấy vị trí thống trị và sự phụ thuộc của các nước khác vào TSMC và Samsung.
Năm 2001, có 30 công ty sản xuất bán dẫn ở vị trí dẫn đầu. Tuy nhiên, chi phí sản xuất tăng cao và những khó khăn khác nên con số này giảm xuống chỉ còn 3 công ty là TSMC, Samsung và Intel. “Quy trình sản xuất của Intel vẫn đi sau TSMC và Samsung”, báo cáo từ Bank of America công bố vào tháng 12/2020 có đoạn.
Đài Loan và Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo các tấm wafer đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Một phần thành công trong 20 năm qua là nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng với khả năng tiếp cận lực lượng lao động có tay nghề cao.
TSMC và Samsung nắm giữ hoạt động sản xuất chất bán dẫn nhưng cả hai vẫn phụ thuộc nhiều vào thiết bị, máy móc từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Theo số liệu của Gartner, có 5 công ty “semicap”, tên gọi của nhà sản xuất công cụ theo yêu cầu của các xưởng gia công thiết bị bán dẫn, chiếm gần 70% thị trường.
Ba trong số này là của Mỹ, còn lại một của châu Âu và một của Nhật Bản. ASML của Hà Lan là công ty duy nhất trên thế giới có khả năng tạo ra quy trình siêu tia cực tím (EUV) làm công cụ sản xuất những loại chip tiên tiến nhất.
Một số công ty của Mỹ đóng vai trò không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều mà Mỹ đang đi sau ở đây là hoạt động sản xuất. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đang tìm cách để quay lại vị trí dẫn đầu trong sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng. Intel mới đây công bố chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới. Điều này được kỳ vọng có thể cung cấp giải pháp thay thế TSMC và Samsung.
“Về lâu dài, chính quyền ông Biden muốn tiếp tục khuyến khích các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước và nước ngoài mở rộng công suất tại Mỹ để giảm sự phụ thuộc sản xuất ở các khu vực nhạy cảm về địa chính trị như Đài Loan, đồng thời tạo ra công việc kỹ thuật lương cao”, Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận thực hành công nghệ địa lý tại Eurasia Group, nói với CNBC.
Mặt khác, một phần chính sách của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn là hình thành liên minh. Theo báo cáo đầu tháng này của Nikkei, Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác về chuỗi cung ứng cho các thành phần quan trọng như chất bán dẫn. Hai bên hướng tới hệ thống sản xuất không tập trung vào các khu vực cụ thể như Đài Loan.
Khải Hoàng
0 nhận xét :
Đăng nhận xét