Hầu hết doanh nghiệp (DN) chia cổ tức cao đều có EPS (chỉ số tài chính quan trọng để đầu tư chứng khoán) ở mức khá cao so với thị trường, do đó những nhà đầu tư thường ưa thích các công ty này vì riêng tỷ lệ chi trả cổ tức hằng năm gấp nhiều lần so với mức lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Cổ phiếu của Công ty CP Thống Nhất (HNX: BAX) chỉ trong vòng ba phiên ngày 7, 8 và 9/4/2021 đã tăng đến 28%, lên tận mốc 112.000đ/CP, sau thông tin chia cổ tức đợt hai năm 2020 bằng tiền mặt lên tới gần 130,93%/CP, tức 1 cổ phiếu được nhận 13.093 đồng. Dự kiến ngày thanh toán đợt hai sẽ chia thành hai lần, lần một vào ngày 26/5/2021 chia 40,93%/CP và lần hai vào ngày 26/7/2021 chia 90%/CP. Trước đó, BAX cũng đã tạm ứng cổ tức đợt một năm 2020 với tỷ lệ 30% bằng tiền, như vậy tổng cổ tức chia cho năm 2020 lên tới 160%, đều bằng tiền mặt.
Trong năm 2020, kết quả kinh doanh của BAX tăng trưởng vượt bậc, với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 145 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2019, đẩy EPS lên mức 17.755 đồng, cũng tăng gấp 1,7 lần so với năm 2019. Kế hoạch năm 2021, BAX đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm về mức 59,4 tỷ đồng, do đó tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền dù giảm so với năm 2020 nhưng vẫn ở mức khá cao là 50%/CP.
Một DN khác cũng gây bất ngờ khi quyết định chia cổ tức năm 2020 ở gần 59%, tương đương với giá trị gần 1.890 tỷ đồng, đó là Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC). Đây là mức chia cổ tức lớn nhất mà PPC thực hiện kể từ khi lên sàn năm 2007, các năm gần đây tỷ lệ chia cổ tức khoảng 20-30%, bằng tiền mặt. Đáng lưu ý là lợi nhuận sau thuế năm 2020 của PPC giảm 21%, xuống 1.011 tỷ đồng, kế hoạch năm 2021 lãi trước thuế tiếp tục giảm 66%, xuống 415 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn dự kiến chia trả cổ tức 15%. Tuy nhiên, PPC có truyền thống đặt kế hoạch lợi nhuận thấp so với thực hiện.
Nhưng những tỷ lệ trên chưa là gì so với mức chia cổ tức 200% bằng tiền của Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (UPCoM: FOC) cho năm 2020, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận về 20.000 đồng. Với 18,47 triệu cổ phiếu đang lưu hành, FPT Online sẽ chi khoảng 370 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông. Với kết quả kinh doanh ổn định trong nhiều năm qua, EPS thường duy trì từ 17.000 - 18.000, chỉ riêng năm 2020 giảm về còn gần 14.000, lợi nhuận chưa phân phối của DN này đến cuối năm 2020 còn đến hơn 594 tỷ đồng, gấp 3,2 lần mức vốn điều lệ.
DN có truyền thống trả cổ tức cao là Vinamilk (HoSE: VNM) mới đây cũng đề xuất tiếp tục trả cổ tức đợt ba bằng tiền mặt và nếu được thông qua, tổng cổ tức năm 2020 của công ty sữa này là 41%. Vinamilk trước đó tạm ứng cổ tức hai lần với tỷ lệ lần lượt là 20% và 10%, đợt 3 này sẽ chi 11% còn lại. Vinamilk năm ngoái có lãi sau thuế phân bổ cho cổ đông xấp xỉ 11.100 tỷ đồng. Năm 2021, Ban lãnh đạo Vinamilk tiếp tục đề xuất chính sách cổ tức bằng tiền không ít hơn 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
HĐQT Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) dự kiến phương án dùng 99% lợi nhuận sau thuế năm 2020 để chia cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, DN này sẽ chi 517 tỷ đồng để chia cổ tức, tương ứng tỷ lệ 63,2% (một cổ phiếu nhận được 6.320 đồng). Năm 2020, BMP có lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Năm 2021, dù đặt ra lợi nhuận sau thuế ở mức 523 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ cổ tức vẫn ở mức cao, tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.
Trên thị trường còn có khá nhiều DN có lịch sử chi trả cổ tức cao cho cổ đông nhờ kinh doanh hiệu quả, có EPS ở mức khá cao so với thị trường, do đó những nhà đầu tư thường ưa thích các công ty này vì riêng tỷ lệ chi trả cổ tức hằng năm đã gấp nhiều lần so với mức lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, trong số này không ít DN có thị giá giao dịch lên tới hàng trăm nghìn đồng/CP, cũng như thanh khoản thấp, do đó cũng rất khó mua và không phù hợp cho số đông, vốn thường thích đầu cơ lướt sóng.
Cuối tháng 11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP liên quan tới DN có vốn sở hữu nhà nước. Theo Nghị định 140, DN nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, sau khi chia lãi cho các bên góp vốn, bù đắp khoản lỗ của các năm trước, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, trích quỹ đầu tư phát triển (tối đa 30%) thì phần lợi nhuận còn lại sẽ chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dựa trên dữ liệu của hơn 1.700 DN niêm yết, có khoảng 333 DN có vốn nhà nước trên 50% và có khả năng sẽ chi trả cổ tức theo Nghị định 140. Theo đó, có khoảng 27 DN có mức thanh khoản cao, một số yếu tố cơ bản tốt và lợi suất cổ tức/giá cổ phiếu hấp dẫn (lợi suất cổ tức cao hơn 8%).
Thu Thủy
0 nhận xét :
Đăng nhận xét