Vi Khải - Doanh nhân người Việt gốc Hoa nổi tiếng tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tên tuổi của ông không những được biết đến với thương hiệu Nhị Thiên Đường vang danh đến tận ngày nay mà còn gắn liền với cầu Nhị Thiên Đường…
Kỳ 1: Ông chủ Công ty Thuốc Nhị Thiên Đường
Chân dung doanh nhân Vi Khải
Vi Khải tự là Thiếu Bá, sinh năm 1894 tại Chợ Lớn. Cha ông là Vi Bắc, người Quảng Đông, Trung Quốc sang Việt Nam lập nghiệp bằng nghề bán thuốc Đông y rồi lấy vợ người Việt, sinh ra ông. Từ nhỏ, Vi Khải được đánh giá là người biết nuôi chí “Thí lạc thiện chi tâm, tế thế cứu dân chi cử”. Do xuất thân từ gia đình khá giả nên ông được gia đình cho du học và tốt nghiệp trường kinh doanh và trường y khoa tại Pháp. Trong thời gian du học, Vi Khải chú tâm nghiên cứu nền y học phương Đông kết hợp với nền y học phương Tây. Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác.
Sau khi học xong, Vi Khải trở về Sài Gòn kế thừa công việc ở hiệu thuốc Ông Phật do cha ông gầy dựng. Năm 1905, Vi Khải thành lập hiệu thuốc Châu Á Nhị Thiên Đường tại 47 Rue De Caton, Chợ Lớn (nay là Triệu Quang Phục, quận 5) để thực hiện ước mơ giúp người bằng kiến thức y khoa mà ông học hỏi tại Pháp. Cũng từ đây, thương hiệu thuốc Nhị Thiên Đường đã được hình thành và vang danh khắp nước, trong đó sản phẩm nổi tiếng nhất của thương hiệu này là chai dầu “trị bá bệnh” Nhị Thiên Đường được người Việt tin dùng trong gần một thế kỷ.
Hiệu thuốc Châu Á Nhị Thiên Đường sau này phát triển thành Công ty Thuốc Nhị Thiên Đường, là nơi sản xuất nhiều loại thuốc Đông y cung cấp cho thị trường Việt Nam. Vào đầu những năm 1900, Vi Khải chỉ mới bán ra trên thị trường dòng thuốc hiệu Ông Phật do ông nghiên cứu và sáng chế. Sau đó ông mở rộng việc kinh doanh thuốc Đông y. Khi thành lập hiệu thuốc, ông chọn tên “Nhị Thiên Đường” với ý nghĩa “Dân dĩ thực vi thiên, dĩ dược vi đệ nhị thiên, tức vị nhị thiên đường”, hàm ý dân lấy ăn làm trước nhất, kế đến là dùng thuốc.
Khi bắt đầu kinh doanh, để thu hút khách hàng đến với Châu Á Nhị Thiên Đường, Vi Khải đã vận dụng kỹ thuật quảng cáo rất công hiệu trên báo chí nhằm giới thiệu công dụng của các loại thuốc do công ty của ông sản xuất. Ví dụ ông quảng cáo rượu thuốc Nhị Thiên Đường (Nhị Thiên Đường dược tửu): “Thuốc rượu của tiệm Nhị Thiên Đường là một thứ thuốc rượu rất quý, do nơi tiệm chánh ở tại Quảng Đông tỉnh thành gởi lại; diên niên trường thọ, đoạt tạo hóa chi công, xưa nay chẳng có thuốc rượu nào mà bổ đường nhơn thân, điều hòa huyết mạch, cường tráng tinh thần cho bằng thứ rượu thuốc nầy; hễ uống nó thì mặt mày hồng nhuận; gái trai già trẻ bốn mùa đều dùng được, thật nó là bá bổ thánh dược, công hiệu như thần”.
Các mẫu quảng cáo sản phẩm thuốc Nhị Thiên Đường (Nguồn: Viện Kỷ Lục)
Nhờ cách quảng cáo công dụng của các loại thuốc trên báo chí, công việc kinh doanh của Vi Khải ngày càng phát triển, được người dân ưa chuộng và sử dụng thường xuyên trong điều trị và phòng ngừa các loại bệnh, đặc biệt nổi tiếng nhất là dầu Nhị Thiên Đường được xem là hễ đâu nhức là lấy ra dùng, từ đau đầu, đau bụng, cảm lạnh đến đau răng, bị côn trùng cắn, bằng cách thoa trực tiếp, cho vào nước xông hoặc uống. Thời đó, nhiều người miền Bắc không khỏi ngạc nhiên khi thấy người miền Nam, cả nam giới và nữ giới đều thường bỏ trong túi một lọ dầu nước như một thứ bảo bối phòng thân khi ra đường. Từ đó hình thành thói quen dùng dầu gió rất khó bỏ một thời của người miền Nam. Thậm chí tại khu vực Chợ Lớn, thương hiệu thuốc Nhị Thiên Đường còn được người dân phổ biến thông qua câu vè “Nhất dương chỉ, nhị Thiên Đường, tam Tam Tông Miếu…” (nhất môn võ công, nhì dầu gió Nhị Thiên Đường, ba lịch Tam Tông Miếu). Đó là cách tôn vinh thương hiệu theo bình chọn của người tiêu dùng. Điều này cho thấy mức độ phổ biến và sự tin dùng của người dân thời bấy giờ đối với các loại thuốc của Châu Á Nhị Thiên Đường.
Khi công việc kinh doanh phát triển, Vi Khải mở rộng sản xuất thuốc để đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ hiệu thuốc ban đầu tại đường Triệu Quang Phục, ông mở nhà máy sản xuất dược phẩm với tên gọi Nhị Thiên Đường Chế dược Xưởng tọa lạc trên đại lộ Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo, quận 5). Từ hai cơ sở ban đầu này, Vi Khải mở rộng kinh doanh bằng việc thành lập Công ty thuốc Nhị Thiên Đường với logo gắn liền với hình ảnh ông Phật. Sản phẩm của Nhị Thiên Đường rất được các tầng lớp trong xã hội, từ giới giàu có đến tầng lớp bình dân tin dùng. Vào thời cực thịnh, bên cạnh dầu gió và cao nóng, các loại thuốc khác của Nhị Thiên Đường như Vạn ứng nhị thiên dầu, Phát lãnh hoàn, Sâm nhung bổ thận hoàn, Phụ khoa kim phụng hoàn, Sâm nhung vệ sinh hoàn, Cam tích tán, Thối nhiệt hoàn, Căn cơ tán... cũng rất được người tiêu dùng tại Nam kỳ ưa chuộng.
Tuy nhiên, sự phổ biến các loại dược phẩm của Nhị Thiên Đường đã dẫn đến sự xuất hiện hàng giả, hàng nhái giả danh thương hiệu này. Để đối phó với tình trạng ấy và đảm bảo uy tín của Công ty Thuốc Nhị Thiên Đường, năm 1920, Vi Khải xuất bản cuốn sách “Vệ sanh chỉ nam” với mục đích quảng bá sản phẩm cũng như tuyên truyền chống lại hàng nhái, hàng giả. Nội dung cuốn sách chỉ cách vệ sinh, sức khỏe, dùng thuốc sao cho hiệu quả.
Lời quảng bá cuốn sách “Vệ sanh chỉ nam” được in trên Công luận báo ngày 13/6/1922 có đoạn: “Bổn đường hằng nắm giữ lòng cứu thế tế nhân, cho nên chẳng nài tốn bạc ngàn mà in ra mấy muôn cuốn VỆ SANH CHỈ NAM (chỉ cách dùng các thuốc rất kỹ lưỡng) để dành mà cho thân chủ; nếu vị nào có gởi thư xin, thì Bổn đường lập tức gởi liền chẳng hề sai sót”. Từ đó mỗi năm, Công ty Thuốc Nhị Thiên Đường đều cho xuất bản cuốn sách này một lần đến tận năm 1939 mới ngưng. Công ty Thuốc Nhị Thiên Đường còn kêu gọi mọi người đề phòng thuốc giả khi mua và nên xem kỹ nhãn hiệu có hình ông Phật mập để tránh mua nhầm. Đồng thời, Nhị Thiên Đường còn trao thưởng 500 đồng Đông Dương (tương đương 200 triệu đồng ngày nay) cho ai bắt được kẻ giả mạo thuốc của Công ty.
Những năm 1930, thương hiệu thuốc Nhị Thiên Đường phát triển rất mạnh, không chỉ có cơ sở sản xuất trong nước, Vi Khải còn cho xây dựng cơ sở tại Hồng Kông và Quảng Châu. Việc phân phối sản phẩm Nhị Thiên Đường đã được mở rộng từ Việt Nam sang thị trường Campuchia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Mã Lai, Philippines và Trung Quốc. Không chỉ vậy, ông còn cho mở rộng cơ sở kinh doanh tại Bắc và Trung kỳ, đặt đại lý ở số 76 phố Hàng Buồm, Hà Nội và tại số 18 Gia Hội, Huế.
Theo DNSG
0 nhận xét :
Đăng nhận xét