Khu rừng trong chai mới phát hành của tác giả Huỳnh Trọng Khang

Khu rừng trong chai – tác phẩm thiếu nhi mới nhất của nhà văn Huỳnh Trọng Khang truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa hướng đến trẻ em về việc bảo vệ môi trường.


Khu rừng trong chai kể về hành trình phiêu lưu của cậu nhóc An An, bắt đầu từ khi cậu được trao cho một hạt giống lạ. Mang theo giấc mơ về cây đậu thần khổng lồ, An An gieo hạt vào một cái chai thủy tinh. Trong thế giới bao bọc khép kín, hạt giống lặng lẽ nảy mầm, lớn lên, sinh sôi nảy nở tạo nên cả một khu rừng.

Thế rồi gần cả thế kỷ trôi qua, khu rừng trong chai dần rơi vào quên lãng, màu xanh của cây cỏ cũng dần mất đi, giờ đây chỉ còn trơ trọi những tòa nhà chọc trời, khói bụi độc hại, Trái đất chìm trong biển nước ngập mặn, liệu con người sẽ tiếp tục tồn tại như thế nào? Và liệu khu rừng năm xưa trong chiếc chai nhỏ bé sẽ xảy ra điều gì kỳ diệu?

Dạo bước đến Khu rừng trong chai cùng An An, độc giả không chỉ có thể khám phá vẻ đẹp muôn màu, mà còn là sức sống mãnh liệt của tự nhiên, dù bị giam hãm, lãng quên hay hủy hoại đến thế nào vẫn kiên cường gieo mầm hy vọng cho hành tinh xanh mãi.

Qua Khu rừng trong chai, có thể nhận thấy tác giả rất có ý thức trong việc xây dựng tính điện ảnh cho truyện. Tác phẩm mở đầu bằng một cảnh toàn, góc máy từ trên cao cho thấy nắng gắt, mây thưa, trời trong xanh. Sau đó, người đọc như cảm giác được chiều di chuyển chậm xuống phía dưới của máy quay để thấy cảnh lũ trẻ đang chơi bóng. Tiếp đến là âm thanh “ tiếng leng keng của xe kẹo kéo” xuất hiện. Một cảnh mở đầu đơn giản nhưng bài bản và trọn vẹn như một thước phim với đầy đủ hình ảnh, góc máy, âm thanh.

Đặc thù của sách thiếu nhi là câu văn miêu tả phải ngắn gọn, đơn giản; không được có quá nhiều câu phức, trúc trắc, dễ gây khó hiểu cho các bé. Đáp ứng đầy đủ những tiêu chí đó, văn phong trong Khu rừng trong chai đảm bảo yếu tố giản dị, dễ hiểu với độc giả nhỏ tuổi; nhưng đồng thời, vẫn có những liên tưởng, so sánh, nhân hóa mang đậm chất thơ ca để kích thích trí tưởng tượng cho trẻ. Hãy cùng đọc thử câu mở đầu của tác phẩm để cảm nhận rõ điều này: “Nắng lì lợm chưa chịu đi khỏi bầu trời, những đám mây oi nồng bứt rứt giãn nhau ra, để lộ bầu trời trong xanh hơn.” Có thể thấy, tác giả đã mang đến cho thiên nhiên vẻ đẹp thi tính bằng phép nhân hóa, những tính từ diễn tả cảm xúc.

Khu rừng trong chai được viết với kết cấu vòng tròn, thể hiện sự quay ngược thời gian về mặt ý niệm mang lại nhiều cảm xúc: trẻ thơ trở thành người lớn; và rồi, người lớn quay về thời thơ trẻ, như được sống lại lần nữa với hạt giống trong tay, quên đi bộn bề, hòa vào thiên nhiên.

Thế giới của Khu rừng trong chai là thế giới được nhìn qua cặp mắt đong đầy cảm xúc, sự hiếu kì, và cả những lí giải ngộ nghĩnh của trẻ thơ. Điều đó thể hiện qua cách tác giả miêu tả về hạt giống nảy mầm:

“Trong chai, hạt giống giờ đã bớt bỡ ngỡ, mở mắt trông lên cái thành thủy tinh giờ là vòm trời của nó. Mà cái nóng cũng làm nó thao thức không ngủ được. Nó bức bối lột dần lớp áo chật chội khó chịu để lộ hẳn ra một mầm xanh lục hoàn hảo.”

Hoặc, qua cái nhìn về chiếc tàu hỏa giống như con bò rừng – hai đối tượng tưởng chừng chẳng có gì tương đồng nhưng qua sự liên tưởng của Huỳnh Trọng Khang khi hóa thân thành cậu bé An An thì ta có một câu so sánh thú vị, bất ngờ:

“Chỉ biết nó cứ chạy qua đây, ồn ào như con bò rừng bị cây lá quất roi, tăng hết tốc lực, phóng bạt mạng về phía trước.”

Bên cạnh đó, trong cách dựng hình ảnh của tác giả cũng có sự hài hước ở một số phân đoạn. Chẳng hạn như, đoạn mô tả An An cầm chiếc bình khổng lồ. Cái bình quá lớn khiến cậu bé như bị đồng hóa thành chính nó. Từ đây, tác giả triển khai cách miêu tả thú vị: không phải là miêu tả về một cậu bé đang khệ nệ khiêng chiếc bình nữa, mà là miêu tả về chiếc bình khổng lồ kì lạ, có những chi tiết nhỏ thừa ra bên ngoài giống như thuộc về một đứa trẻ.

Ba đón lấy cái bình, có vẻ khá nặng, như thế thì sẽ không dễ dàng rơi vỡ. Ba đưa cho An An ôm thử. Một lúc sau, người đi đường nhìn thấy một cái bình thủy tinh mọc ra đôi chân khẳng khiu đang khó nhọc lê bước. Cái bình vòng tay ôm bụng hệt như bà chửa. Chốc chốc, người đàn ông đi cùng lại cúi xuống thầm thì:

“Được không con?”

Cái binh hồn hển trả lời bằng một giọng trẻ con: “Nặng… nhưng... được!”

Khu rừng trong chai không đơn thuần phản ánh xu hướng trồng cây trong chai đang thịnh hành của giới trẻ, giới văn phòng để môi trường công sở có thêm màu xanh. Thực tế, sự lựa chọn không gian để hạt giống sinh sống cũng phần nào mang tính ẩn dụ. Trong truyện, việc chăm sóc hạt giống để hạt ươm mầm, nở thành cây của cậu bé An An không hề dễ dàng mà gặp vô vàn thử thách. Hạt giống liên tục phải di cư sang nhiều “ngôi nhà” khác nhau: đầu tiên là mảnh vườn trước sân nhà An, rồi đến chai thủy tinh có nút bần; cuối cùng, nó chỉ có thể yên vị khi được trồng trong một cái bình khổng lồ. Vốn dĩ, vị trí ban đầu (mảnh vườn trước sân nhà) mới là không gian lí tưởng nhất cho hạt giống; nhưng rồi, để tránh chuyện bị ngoại cảnh tác động, hạt giống lại được trồng trong một không gian bó hẹp, khép kín. Tình tiết này cho thấy rằng rằng việc giữ gìn môi trường xanh, không gian cho cây cối trong đời sống tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng khi nông thôn dần bị đô thị hóa là điều rất khó khăn.



Những hạt giống tràn ngập màu sắc là một trong những yếu tố mĩ thuật chủ đạo, thường xuyên được lặp lại trong nhiều tranh vẽ của Khu rừng trong chai. Quyển sách được in màu, bìa cứng dày dặn cùng hiệu ứng kim tuyến lấp lánh, tặng kèm 2 Bookmark ngộ nghĩnh và 3 Postcard xinh xắn khi mua sách.

Một quyển tranh truyện đầy sắc màu, hình ảnh dễ thương bắt mắt cùng câu chuyện hấp dẫn kì lạ, chắc hẳn sẽ lôi cuốn không chỉ các bạn đọc nhỏ tuổi mà ngay cả những bạn trẻ, các bậc phụ huynh cũng sẽ cảm thấy vô cùng thú vị và hào hứng khi theo dõi Khu rừng trong chai.

Huỳnh Trọng Khang

Sinh năm 1994, Huỳnh Trọng Khang là một trong những cây bút trẻ được kỳ vọng sẽ tạo “nội lực” cho thể loại tiểu thuyết. Năm 2016 anh cho ra mắt Mộ phần tuổi trẻ và một năm sau đó, đã được vinh danh tại giải Sách hay, hạng mục Phát hiện mới vào năm 2017.


Kể từ thành tích đã đạt được đó, mỗi năm anh đều cho ra những tác phẩm ấn tượng, có thể kể đến như Những vọng âm nằm ngủ (2018), Phật trong hẻm nhỏ (2020) và Bể trăng côi (2023). Ngoài tiểu thuyết, anh cũng chắp bút cho nhiều tác phẩm hướng đến thiếu nhi, như tập thơ Mephy! Mephy! hay truyện dài Bơ không phải để ăn, mới đây nhất là Khu rừng trong chai.

Thanh  Trúc  
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét