Ra thiết quân luật tại 4 tỉnh Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn chính thức hóa biện pháp kiểm soát ở các vùng này, cũng như huy động nguồn lực công nghiệp Nga cho cuộc chiến.
Bất chấp sự phản đối từ Kiev, phương Tây và việc Liên Hiệp Quốc vẫn công nhận toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, Nga vẫn sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia sau các cuộc trưng cầu dân ý vào tháng trước. Dù vậy, do chiến dịch phản kích mạnh mẽ của lực lượng Kiev, Nga hiện không nắm quyền kiểm soát toàn bộ các vùng này.
Đến ngày 19/10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố thiết quân luật ở 4 tỉnh nói trên. Theo Reuters, việc tuyên bố thiết quân luật này là lần đầu tiên Moskva áp dụng luật ra đời từ năm 2002. Luật này có thể được thực thi khi Nga đối mặt với sự gây hấn hay "mối đe dọa gây hấn tức thì".
Theo đó, sắc lệnh mới đồng thời yêu cầu "huy động kinh tế" tại 8 khu vực tiếp giáp với Ukraine, gồm Cộng hòa Crimea, thành phố Sevastopol cùng với Krasnodar, Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk và Rostov. Giới chức 4 tỉnh sẽ có thêm quyền hạn để đảm bảo an ninh và phản ứng nhanh với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, cũng như hạn chế việc ra vào các khu vực.
Theo luật pháp Nga, thiết quân luật giúp tăng quyền lực của quân đội và cơ quan hành pháp, khi cho phép quân đội áp lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại, trưng dụng tài sản của người dân, giám sát thông tin liên lạc và ra lệnh cho công dân xây dựng lại các thành phố bị phá hủy.
Sắc lệnh mới nêu rõ, nhà chức trách sẽ có quyền ban hành các biện pháp để "đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang Nga" và việc "bảo vệ lãnh thổ" sẽ được thực thi. Vitaliy Kim - Thống đốc vùng Mykolaiv ở miền Nam Ukraine tin rằng sắc lệnh của ông Putin nhằm cho phép Moskva huy động "những người Ukraine vẫn còn lưu lại" các vùng lãnh thổ đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga.
Ở Nga, lệnh thiết quân luật sẽ tự động kéo theo việc tổng động viên hoặc huy động một phần quân dự bị. Song, tổng động viên một phần trước đó đã diễn ra ở Nga và được mở rộng tới các khu vực Moskva đang nắm quyền kiểm soát, nên hiện chưa rõ Nga có huy động thêm người nhập ngũ hay không.
Bên cạnh đó, thiết quân luật cho phép nhà chức trách hạn chế đi lại và áp lệnh giới nghiêm, buộc người dân phải ở yên trong nhà. Theo luật sư Nga Pavel Chikov, luật cũng có nghĩa các trạm kiểm soát và kiểm tra phương tiện sẽ được thiết lập và chính quyền có quyền giam giữ người trong tối đa 30 ngày.
Trên thực tế, các quan chức do Nga bổ nhiệm ở Kherson đã ban lệnh cấm 7 ngày với dân thường vào khu vực này. Dẫn lời Vladimir Saldo - lãnh đạo chính quyền do Nga bổ nhiệm, hãng tin TASS cho biết không cần phải có lệnh giới nghiêm vào thời điểm hiện tại, ngay trước khi xác nhận ông đang bàn giao quyền lực cho quân đội.
Ngoài ra, theo ông Chikov, thiết quân luật cũng có thể khiến người dân bắt buộc phải di dời đến các khu vực khác. Luật pháp Nga cho phép người dân "tái định cư" tạm thời tại các khu vực an toàn và sơ tán "các đối tượng có vai trò quan trọng về kinh tế, xã hội và văn hóa".
Trong một thông báo hôm 19/10/2022, ông Saldo cho biết, khoảng 50.000 - 60.000 người sẽ được sơ tán khỏi một phần của khu vực Kherson trong 6 ngày tới, trong bối cảnh chiến dịch phản công của các lực lượng Ukraine đang tiếp diễn. Cùng ngày, TASS dẫn lời lãnh đạo Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho hay, 5 triệu cư dân thuộc vùng Donbass và các khu vực khác ở đông nam Ukraine đã "tìm thấy nơi ẩn náu" ở Nga “trước sự ngược đãi của Kiev”.
"Về cơ bản, thiết quân luật là ngừng quản trị nền kinh tế theo cách thông thường", Max Bergmann - Giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay. Hiện, chưa rõ các biện pháp thiết quân luật của Nga khác biệt thế nào so với điều kiện hiện nay, bởi quân Nga trên thực tế đang kiểm soát gần như mọi mặt đời sống tại 4 tỉnh sáp nhập.
Theo Bergmann, sắc lệnh của ông Putin đóng vai trò như một tuyên bố "chính thức hóa những gì đã và đang diễn ra trên thực địa", sau khi Nga tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập lãnh thổ. Nó dường như là thông điệp rằng Nga trên thực tế đang kiểm soát 4 tỉnh Ukraine bằng biện pháp quân sự.
Trong khi đó, giới chuyên gia đánh giá sắc lệnh của ông Putin có thể tác động nhiều hơn đến chính Nga, kéo nhiều thành phần xã hội nước này tham gia sâu hơn vào chiến sự ở Ukraine. Đoạn cuối trong sắc lệnh của ông Putin quy định "các biện pháp khác có thể được áp dụng ở Nga trong thời kỳ thiết quân luật".
"Đây là một vấn đề lớn vì trên thực tế, những gì ông Putin đang làm thực sự đưa toàn bộ Nga vào một mức độ thiết quân luật nhất định", Mark Galeotti - Giáo sư danh dự tại Trường Nghiên cứu Slavonic và Đông Âu thuộc Đại học London, Anh, nhận xét.
Theo Eugene Finkel - Phó giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, điều khoản cho phép áp dụng "các biện pháp khác" có thể là "cửa sau để thực thi các biện pháp thiết quân luật ở những nơi khác của Nga mà không thực sự gọi đó là thiết quân luật".
Trong khi đó, bình luận viên Maite Fernandez Simon và Mary Ilyushina của Washington Post nhận định, các biện pháp này dường như đồng nghĩa với một cấp độ kiểm soát mới với các ngành công nghiệp Nga, điều hướng chúng hỗ trợ quân đội trong tương lai.
"Thay vì công bố các động thái kiểm soát kinh tế quan trọng cùng lúc khiến dư luận Nga choáng ngợp, ý tưởng của chính quyền Tổng thống Putin là triển khai chúng dần dần", Bergmann nói.
Sắc lệnh mới nhất của Tổng thống Putin "cho thấy Nga ngày càng nhận thức được rõ ràng rằng họ sẽ ở trong tình thế khó khăn liên quan đến xung đột Ukraine trong thời gian dài nữa", Galeotti nói.
Khải Hoàng
0 nhận xét :
Đăng nhận xét