Chứng khoán sẽ về đâu?

Kênh đầu tư chứng khoán vốn mang tính rủi ro và rất nhạy cảm với lạm phát, lãi suất và tỷ giá sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã có những chính sách bình ổn thị trường và hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Về quanh 1.000 điểm?

Trong 5 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, chỉ số VN-Index tiếp tục rớt thêm hơn 5,6%, về mức quanh 1.147 điểm, thấp nhất kể từ cuối tháng 3 năm ngoái đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) trong tháng 7 chưa thể tăng trở lại, dù trong tháng 6 đã tiếp tục giảm đến 8%. Còn tính từ đầu quý II đến nay, VN-Index đã giảm gần 25%, bước vào thị trường "con gấu" được xác định bằng mức giảm từ 20% trở lên so với đỉnh gần nhất.

Tâm lý nhà đầu tư đang khá bi quan, giữa lúc khối lượng giao dịch ngày càng ảm đạm và thị trường chịu nhiều áp lực, dù mùa báo cáo tài chính bán niên đang đến gần. Một số nhận định gần đây cho rằng, VN-Index thậm chí có thể tiếp tục về lại vùng 1.000 điểm, không loại trừ mất luôn mốc hỗ trợ này trước khi kết đáy và nỗ lực phục hồi.

Trong báo cáo giữa năm 2022 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, tổ chức này đề ra ba tình huống triển vọng của VN-Index trong thời gian còn lại của năm nay, trong đó xấu nhất có thể đưa chỉ số này về ngưỡng 1.060 điểm, với một số rủi ro cần theo dõi. Trong nửa cuối năm, lạm phát và TTCK trong nước được kỳ vọng tiếp tục biến động theo các thông tin lạm phát, lạm phát kỳ vọng và hành động của nhiều ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là FED.


Cụ thể, tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8-15,1, Mirae Asset dự báo trong kịch bản xấu, VN-Index tiếp tục giảm điểm do tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế và tìm thấy ngưỡng hỗ trợ mạnh ở mức 1.060 điểm. Với kịch bản cơ sở, VN-Index tìm thấy mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm và sẽ tăng lại mốc 1.300 điểm. Và trong tình huống tích cực, VN-Index sẽ lấy lại mốc 1.530 điểm, tương đương P/E trở về mức trung bình dài hạn.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect có phần lạc quan hơn, khi nhận định VN-Index có thể đạt trong khoảng 1.330-1.500 điểm vào cuối năm 2022. Tổ chức này cũng định giá TTCK Việt Nam đang rất hấp dẫn. Trong đó P/E 12 tháng ghi nhận ngày 23/6/2022 là 12,9 lần, chiết khấu 22% so với P/E trung bình 5 năm. Định giá TTCK Việt Nam chiết khấu 17% so với các thị trường khác trong khu vực.

Kênh đầu tư chứng khoán vốn mang tính rủi ro và rất nhạy cảm với lạm phát, lãi suất và tỷ giá sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, dù NHNN gần đây đã có những chính sách bình ổn thị trường và hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Nhiều thách thức

Trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đã cập nhật các dự báo chính đối với thị trường Việt Nam, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế lên 6,9%. Theo HSBC, tăng trưởng GDP quý II/2022 dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường khi đạt 7,7% so với cùng kỳ năm 2021, phần lớn do được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế.

Ở các yếu tố hỗ trợ thị trường, việc mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng như hành động bắt đáy của các nhà đầu tư tổ chức, cổ đông nội bộ, doanh nghiệp vẫn đang là bệ đỡ tâm lý cho thị trường trong thời gian gần đây.

Dù vậy, về mặt giá cả, HSBC dự báo lạm phát sẽ ở mức 3,5% trong năm 2022, nhưng đà lạm phát có thể tạm thời vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm, đòi hỏi cần bình thường hóa chính sách tiền tệ. Dựa vào các dự báo, lạm phát có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023, đòi hỏi NHNN cần bình thường hóa chính sách tiền tệ. HSBC nhận định, NHNN có thể bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (BP) từ quý III/2022 và tăng thêm 50 BP mỗi quý cho đến quý III/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%.

Ở chiều ngược lại, Mirae Asset kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại trong nửa cuối năm, nhờ lạm phát vẫn dưới mức 4% và NHNN sẽ linh hoạt sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết thị trường và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. NHNN đã rút ròng hơn 151.000 tỷ đồng từ ngày 21/3/2006 do thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào (với lãi suất liên ngân hàng giảm dưới 1%).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại công văn ngày 15/6/2022 về phương án điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán đối với các chứng khoán có chu kỳ thanh toán T+2, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã dự thảo quy chế thay thế quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán (dự kiến áp dụng từ tháng 8/2022). Theo đó, nhà đầu tư sẽ giao dịch được vào chiều ngày T+2 khi chứng khoán và tiền đã được hoàn tất thanh toán (T+1.5) chứ không phải đợi tới ngày T+3 như trước nữa.

Bộ Tài chính cho hay, việc nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà TTCK Việt Nam đang hướng tới. Lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đã được đưa vào đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 và dự thảo chiến lược phát triển TTCK tới năm 2030 đang trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Hà Nhi 
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét