Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và nhu cầu giao nhận tăng cao của người tiêu dùng đã kéo theo cuộc đua của các doanh nghiệp (DN) chuyển phát nhanh Việt Nam và nước ngoài.
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử (TMĐT) chính là đòn bẩy cho sự phát triển của ngành chuyển phát nhanh. Theo số liệu của VECOM, hồi năm ngoái lĩnh vực TMĐT Việt Nam tăng trưởng trên 20% (cao hơn 15% năm trước đó) và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này được cho là vẫn khiêm tốn so với quy mô ngành bán lẻ hiện nay.
Điều đáng nói là làn sóng mua sắm hàng hóa trên các sàn TMĐT bùng nổ không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nông thôn. Thói quen mua sắm trực tuyến được phát triển mạnh mẽ trong tâm điểm Covid-19 và được duy trì khá bền vững đến thời điểm hiện tại. Sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, chuyển dịch từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến…đã mang đến cho ngành chuyển phát nhanh nhiều cơ hội phát triển.
Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, TMĐT phát triển giúp ngành logistics tăng trưởng. Khi lượng đơn đặt hàng trực tuyến cao đột biến, các nhà bán hàng có nhu cầu tìm giải pháp vận chuyển hàng nhanh, đáp ứng thời gian giao hàng. Và xu hướng giao thương trên nền tảng TMĐT được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng lên, không chỉ đến từ các sàn TMĐT mà còn cả qua các mạng xã hội hay nền tảng internet khác. Tuy nhiên, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng cao cũng đồng thời tạo áp lực lên hệ thống hậu cần, chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, bao gồm cả nhà xưởng, nhà kho.
Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam cho rằng, kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt cũng là “bệ đỡ” cho sự phát triển của ngành. Theo dự báo của các tổ chức uy tín thế giới, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại đến mức 6 - 6,5% vào năm 2022. Đây chính là lý do các nước đang phát triển như Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các DN chuyển phát nhanh mở rộng quy mô hoạt động.
Cuối tháng 5 vừa qua, J&T Express - DN chuyển phát nhanh Indonesia đã chính thức vận hành Trung tâm trung chuyển tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM. Với diện tích gần 60.000m2, J&T Express Củ Chi giúp DN tăng tổng diện tích kho lên 180.000m2, ứng dụng công nghệ hầu hết các khâu và quy trình tiếp nhận hàng hóa, nhập dữ liệu thông tin theo quy chuẩn Smart Logistics (hậu cần thông minh), có khả năng phân loại 2 triệu kiện hàng với độ chính xác 99%.
Trước đó, đầu năm 2021 BEST Express Việt Nam thuộc Tập đàn BEST In. (Trung Quốc) đã khai trương trung tâm phân loại hàng hóa quy mô lớn nhất và hiện đại nhất của mình tại Củ Chi, điều tiết và phân phối hàng hóa tại khu vực phía Nam, với khả năng xử lý khoảng 36 ngàn kiện hàng mỗi giờ, 1,3 triệu kiện hàng/ngày. Đến cuối năm 2021, trung tâm phân loại thứ hai của BEST Express Việt Nam có quy mô tương tự được DN này đưa vào hoạt động tại Bắc Ninh.
Không đứng ngoài cuộc đua, cùng thời điểm BEST Express ra mắt trung tâm phân loại hàng hóa tự động ở Củ Chi, Viettel Post cũng khai trương Trung tâm logistics miền Nam tại TP.HCM. Với hệ thống băng chuyền tự động có công suất phân loại 42.000 kiện hàng/giờ, Trung tâm này có đầy đủ dịch vụ nhập kho, lưu kho, xử lý đơn hàng, dán nhãn, xuất hàng, vận chuyển bằng ứng dụng công nghệ robot AGV…
Sự ra đời của nhiều trung tâm logicstic đã biến một khu công nghiệp ở Củ Chi trở thành nơi tụ hợp các trung tâm hậu cần của DN. Chia sẻ tại một diễn đàn bất động sản mới đây, ông Lance Li - Tổng giám đốc Công ty CP phát triển công nghiệp BW, đơn vị sở hữu KCN Phú Trung cho biết, trước đây KCN này tập trung các DN sản xuất bình thường nhưng nay gần như trở thành trung tâm hậu cần dành cho các DN trong ngành thương mại điện tử (TMĐT).
Cơ hội và tiềm năng thị trường đang rộng mở thúc đẩy các DN chuyển phát nhanh đầu tư mạnh vào công nghệ.
Ông Phan Bình cho biết, từ năm 2019 đến nay, công ty đầu tư bài bản cho các trung tâm trung chuyển và ứng dụng công nghệ vào quy trình xử lý, vận hành, cũng như liên tục đưa ra các giải pháp sáng tạo và dịch vụ mới. Trong khi đó, BEST Express phát triển giải pháp chăm sóc khách hàng trực tuyến, cải tiến ứng dụng độc quyền BEST Express, cập nhật những thông tin quan trọng về bưu kiện, nguồn tiền COD... Sắp tới, BST sẽ kết hợp với các đối tác ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến để khách hàng có nhiều chọn lựa. Còn Ninja Van - DN đến từ Singapore - thì không ngừng cải tiến năng lực vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng để hạn chế tối đa thiếu sót.
Không chỉ vậy, hệ thống “chân rết” vận chuyển hàng cũng được các DN này phủ rộng khắp cả nước. Cụ thể, J&T Express đang đẩy mạnh mô hình nhượng quyền bưu cục chuyển phát nhanh ở nhiều điểm trên cả nước. Tính đến nay, J&T Express có 1.900 bưu cục và điểm nhận hàng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, sở hữu 850 xe tải vận chuyển hàng hóa các loại cùng đội ngũ nhân sự hơn 19.000 người.
Không kém cạnh, Ninja Van cũng mở hệ thống vận chuyển đến tất cả các tỉnh thành. Trong năm 2022 này, Ninja Van dự định đẩy mạnh mạng lưới nhằm đạt mục tiêu có trên 500 đối tác trong cả nước, tập trung ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam. Để đạt được điều đó, thương hiệu này không ngừng hỗ trợ đối tác thông qua những hoạt động marketing, đào tạo nâng cao năng lực vận hành, cung cấp các chính sách phù hợp nhất với thị trường.
Mỹ Cảnh
0 nhận xét :
Đăng nhận xét