Quy hoạch “bền vững” – nền tảng nâng tầm đô thị Việt trong khu vực

Việc xây dựng và phát triển những không gian công cộng tại những dự án bất động sản ở đô thị hiện nay vẫn là một thách thức tại Việt Nam.

Những năm gần đây, các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đã đạt được những bước tiến đáng kể về đô thị hóa, tuy nhiên mật độ xây dựng dày đặc của các dự án tòa nhà văn phòng, bán lẻ cũng như chung cư cao tầng đang chen chúc trên quỹ đất ngày càng co hẹp. Trong khi đó, theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam, các khu đô thị không chỉ cần không gian xanh mà còn cần tập trung tạo ra những điểm đến như là công viên, khu đi bộ, quảng trường hay bờ sông. Các điểm đến này mang lại bản sắc riêng và giúp thu hút du khách, cư dân, nhà đầu tư và mô hình kinh doanh mới.


Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình cho sự thành công trong việc quy hoạch mang đậm nét “nhân văn”. Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng rộng 409ha, được quy hoạch bài bản với nhiều mảng xanh nhiều bản sắc trải dài xuyên suốt từ bên trong các khu dân cư đến các công viên, khu đi bộ, kênh đào và sông rạch. Khu đô thị này sở hữu mật độ không gian xanh đáng nể với tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân trên mỗi đầu người lên đến 8,9 m2.

Khoảng cách hợp lý giữa các mảng xanh và tiện ích công cộng như trạm xe buýt, trường học, siêu thị tạo ra không gian sống hài hòa, hạ tầng được kết nối đầy đủ tiện ích, đáp ứng được nhu cầu sinh sống của người dân. Thành công của Phú Mỹ Hưng đến từ việc quy hoạch không gian hiệu quả ngay từ những ngày đầu cũng như chấp nhận hy sinh lợi nhuận tối đa để hướng đến phát triển bền vững.

Ngoài Phú Mỹ Hưng, thời gian qua Việt Nam đã có những bước đi đầu trong việc thực hiện các giải pháp đô thị tạo ra bản sắc như việc đưa phố đi bộ Nguyễn Huệ vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh năm 2015. Tiếp đến năm 2016 phố đi bộ thứ hai bao quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội cũng được đưa vào hoạt động. Các con đường này đã thu hút một lượng lớn người tham quan và mua sắm ở các cửa hàng, trung tâm thương mại xung quanh. Gần đây nhất ở TP. Hồ Chí Minh, khi chính quyền thành phố này đưa công viên bến Bạch Đằng mở cửa đã thu hút được nhiều người dân địa phương cũng như khách tham quan đến vui chơi và chụp ảnh.

Tuy nhiên những quy hoạch như vậy chưa thực sự nhiều và để nâng tầm phát triển đô thị tại Việt Nam thì việc quy hoạch thị trường bất động sản rất quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: Bất động sản đóng góp mỹ quan cực kỳ lớn của đô thị và kiến trúc thành phố, nâng tầm khu vực.

Trước khi cấp quyền sử dụng đất công, bên cạnh việc đánh giá năng lực chủ đầu tư, chúng ta cần đánh giá thêm về năng lực đóng góp mỹ quan, kiến trúc của đô thị cho thành phố. Chẳng hạn ở TP. Hồ Chí Minh, tiềm năng thị trường bất động sản rất to lớn và việc quy hoạch đúng đắn sẽ là nền tảng tốt để nước ta vươn lên tầm cao trong khu vực. Vì thế, rất cần có sự hỗ trợ và chính sách quy định tăng không gian “xanh” từ phía chính phủ lên các dự án.

Theo các chuyên gia, việc hình thành những mảng xanh và địa điểm vui chơi công cộng chỉ mới bắt đầu, Việt Nam cần nhiều hơn sự tham gia từ người dân và nỗ lực từ phía Chính phủ để có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Những lợi ích này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự thay đổi đáng kể trong tương lai, tạo ra cảnh quan và giúp môi trường sống của người dân đô thị ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Đặc biệt, đối với những dự án bất động sản trong tương lai, yếu tố ‘bền vững’ và “nhân văn” sẽ không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố quan trọng phải có trong dự án.

Thanh Trúc
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét