Chưa từng có tiền lệ tại Cơ hội cho ai: Các sếp trao cơ hội hỗ trợ y tế bên cạnh các offer “khủng”

Tiếp nối ở khung phát sóng quen thuộc, tập 7 của chương trình truyền hình thực tế về việc làm mùa 3 tiếp tục phục vụ khán giả vào lúc 12g00 trưa thứ Bảy, 18/12/2021.

Xuất hiện trong tập 7 Cơ hội cho ai là cặp đôi ứng viên trẻ tuổi với 2 màu sắc đối lập.


Đoàn Kim Loan, 26 tuổi, cử nhân Quản trị kinh doanh trường Đại học FPT, từng nhận học bổng 140% ở bậc đại học và học bổng toàn phần của Chính phủ Indonesia. Nữ ứng viên nói được 3 thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Indonesia. Tuy tuổi còn khá trẻ nhưng Kim Loan lại có kinh nghiệm làm việc vô cùng phòng phú. Cô nàng từng đảm nhiệm các vị trí công việc Chuyên viên phân tích nghiệp vụ, trợ lý dự án, phiên dịch sự kiện, hướng dẫn viên du lịch. Chuyên môn chính của Kim Loan về phân tích nghiệp vụ kinh doanh, nghiên cứu thị trường, kết nối nguồn nhân lực. Đến với chương trình Kim Loan mong muốn có thể tìm được một cơ hội mới, môi trường làm việc mới, nữ ứng viên không quá đặt nặng vấn đề thắng thua vì cô cho rằng “Người thắng cuộc chưa chắc là người giỏi nhất, họ chỉ là người phù hợp nhất với tiêu chí của cuộc thi mà thôi”.


Ở phần chào đầu, Kim Loan gây ấn tượng với các sếp bởi màn tự giới thiệu: “Em cảm ơn thấy may mắn khi sinh ra với khối tài sản vô giá là hai bàn tay trắng. Nhờ nó mà em không bao giờ phải sợ những khó khăn, thử thách trước mắt. Có lẽ vì vậy mà em đã đạt được một số thành tựu nằm ngoài sức tưởng tượng của bản thân em cũng như mọi người xung quanh. Ví dụ từ đại học năm ba, tổng thu nhập của em đã gấp nhiều lần so với mức lương bình quân của sinh viên mới ra trường. Bên cạnh những may mắn đó, em cũng mang trong mình rất nhiều căn bệnh. Trước đây, bệnh tật với em là khó khăn, trở ngại, nhưng bây giờ lại là động lực. Đối với nơi em cần cống hiến, máu có thể thiếu chứ máu lửa thì không. Sức khỏe em có thể kém nhưng sức chịu đựng phải cao”.

Đối đầu với Kim Loan là Hà Văn Quý, 29 tuổi, cử nhân Luật Kinh Tế. Nam ứng viên có hơn 6 năm kinh nghiệm trong ngành Luật, từng tham gia tố tụng hơn 60 vụ án tại tòa. Hiện tại Hà Văn Quý đang là luật sư trong đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, đảm nhiệm tư vấn cho các cá nhân tổ chức, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong quá trình làm việc Hà Văn Quý đã giành được nhiều thắng lợi, bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng. Tự đánh giá bản thân mình là một người khá lì đòn, không ngại khó ngại khổ, có khả năng thích nghi tốt, đến với chương trình chàng luật sư đã sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, chuẩn bị tinh thần cho một cơ hội mới.


Vòng 1 – Đối mặt

Tình huống phản biện mà chương trình đặt ra cho cặp đôi ứng viên là trong bối cảnh COVID-19, bạn tình cờ nghe được sếp sẽ cho nghỉ việc một số người sau 2 tuần nữa. Trong đó có một người bạn rất thân của bạn. Bạn có quyết định nói chuyện này với bạn thân của bạn không và tại sao?

“Nguyên tắc của một luật sư, bảo vệ thông tin khách hàng là tuyệt đối và là một nhân sự của công ty, việc bảo vệ quyền lợi của công ty là cần thiết”, câu trả lời của Văn Quý là không chia sẻ thông tin với người bạn thân của mình. Thay vào đó, nam ứng viên đưa ra lời khuyên để người bạn này cải thiện những kỹ năng trong công việc, đồng thời sẽ bảo vệ người bạn này bằng cách nói với cấp trên những điểm tốt, những cống hiến, hy sinh trong công việc của bạn để nhằm thay đổi nhận định, cũng như quyết định cắt giảm của sếp.

Kim Loan đưa ra quan điểm ở một góc nhìn khác đối thủ. Theo nữ ứng viên, tình huống chương trình đặt ra chỉ đề cập đến việc nghe phong phanh, chứ không nhắc đến việc thông tin cắt giảm này đã được xác nhận bằng văn bản hay chưa. Vì thế, cô nàng chia nó ra làm hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, nếu công ty đã xác nhận bằng văn bản rồi, nhưng người bạn của cô nắm bắt thông tin chậm, thì cô sẽ thông báo cho bạn mình, đồng thời đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất cho bạn. Trường hợp thứ hai, nếu công ty chưa xác nhận bằng văn bản mà chỉ đơn thuần là tin hành lang, thì Kim Loan nhất quyết giữ gìn uy tín bản thân và không chia sẽ bất cứ điều gì chưa được xác thực.


Ngay sau đó, nữ ứng viên 26 tuổi đặt câu hỏi chất vấn đối thủ: “Khi thông tin cắt giảm chưa được chứng thực, không có cơ sở thì lời khuyên anh đưa ra cho bạn của anh chắc gì đã đúng. Việc anh đưa ra lời khuyên để bạn anh cải thiện cũng chưa chắc. Khi anh bị sa thải chưa chắc vì anh dở mà có thể vì dịch bệnh, nghành anh làm không hoạt động được, công ty không nuôi nổi anh chẳng hạn. Anh có phần phản biện như thế nào?”

Khẳng định “thấy bạn mình thiếu sót thì bất cứ lúc nào cũng nên khuyên để bạn cải thiện”, sau đó Văn Quý chưa đưa ra được lời phản biện phù hợp cho câu hỏi của Kim Loan. Tiếp đó, nam ứng viên đặt câu hỏi cho đối thủ: “Khi quyết định cắt giảm đã có văn bản rồi nhưng chưa được phòng nhân sự thông báo, nhưng bạn là người soạn văn bản đó, thì việc bạn chia sẻ thông tin này cho người bạn của bạn có đang bị trái nguyên tắc hay không?”

“Nếu như em ở một chức vụ biết được văn bản đó chưa được ký kết, thì em chắc chắn với anh nó sẽ được ký kết. Còn nếu em ở một chức vụ không biết được văn bản đó nhưng được nghe từ một phòng ban khác, thì chắc chắn em sẽ không chia sẻ cho ai” – Kim Loan khẳng định.

Bày tỏ sự hứng thú trước lý luận của cặp đôi ứng viên, sếp Trí sau đó đặt câu hỏi để tìm hiểu Kim Loan: “Em làm BA (Business Analyst – Chuyên viên phân tích nghiệp vụ) lâu chưa? Tư duy của em là một chuyện, để hiểu được domain nhà máy, thì em học nó bằng cách nào?”

“Em làm hơn hai năm. Một cái là CRM (Quản lý quan hệ khách hàng), một cái là lĩnh vực outsource (Thuê nguồn lực bên ngoài) về công nghệ, về domain (tên miền) nhà máy và một phần mềm khác giá trị 1 triệu đô. Nếu em làm cho công ty sếp chẳng hạn, thì em sẽ tìm hiểu tất cả thông tin về sếp, cũng như các hoạt động business. Sau khi có tất cả những thông tin, thì em sẽ có những buổi workshop. Em sẽ tìm hiểu những paint point (Điểm đau, nỗi đau) của sếp là gì, sau đó sẽ có những workshop tiếp theo để em đi sâu vào những vấn đề. Hiểu hết tất cả những điều nêu trên thì bước tiếp theo mới bắt đầu làm phần mềm outsource” – Kim Loan trả lời.

Không thắc mắc những vấn đề chuyên môn, sếp Dũng tò mò về hiện trạng sức khỏe của nữ ứng viên: “Em nói em có bệnh, mà lại tập cùng lúc hai môn võ, điều này có ảnh hưởng không?”

Nghẹn ngào trải lòng, Kim Loan hồi tưởng về quá khứ bệnh tật quấn thân của mình: “Trước đây khi còn tập võ thì sức khỏe của em đỡ hơn bây giờ. Em từng nằm liệt giường, phải châm cứu gần 2 năm. Năm đầu em nằm liệt luôn. Ngày mà em uống thuốc khoảng 71 viên một ngày, gồm thuốc tây và thuốc đông y. Em nghĩ là do tập võ nên em mới đứng đây được ngày hôm nay. Nếu khi xưa em không tập võ thì có lẽ em đã nằm luôn rồi”.

Sau những chia sẻ đầy xúc động, nữ ứng viên 26 tuổi giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Văn Quý với điểm số 6/7. Kim Loan bước vào vòng tiếp theo để chinh phục 6 sếp quyền lực.

Vòng 2 – Chinh phục

Ngay khi bước vào vòng Chinh phục, sếp Dũng đã bật đèn xanh quyết định tuyển dụng ứng viên cùng lời khẳng định “không cần hỏi thêm gì nữa. Những gì thể hiện trong CV và phần đối đáp trên sân khấu đã chứng tỏ được khả năng của bạn”.

Tiếp bước đồng đội ghế “nóng”, sếp Lưu Nga cũng nhấn đèn xanh lựa chọn Kim Loan ngay sau đó. Vị sếp Elise cũng chia sẻ sự đồng cảm trước hoàn cảnh của ứng viên: “Chị có một bạn nhân viên, năm 27 tuổi, cô ấy về làm với chị. Một năm sau, cô ấy phát hiện mình mắc phải một căn bệnh, không chữa được. Lúc ấy, nếu có thể chữa được thì dù phải mang cô ấy sang Mỹ, sang Singapore thì bao nhiêu tiền chị cũng sẵn sàng bỏ tiền. Sau đó, cô ấy về quê một thời gian, phải nằm một chỗ và không nói chuyện được nữa. Sau đó nữa, bỗng nhiên cô ấy khỏe mạnh và lên Hà Nội. Đến giờ, cô ấy trở thành cánh tay phải đắc lực của chị. Thật kỳ lạ là cô ấy chưa bao giờ gục ngã. Chị nhìn thấy cô ấy ở em và chị khát khao có được những người như em trong hành trình xây dựng doanh nghiệp của mình”.


Xúc động trước những chia sẻ đầy cảm thông từ vị sếp nữ duy nhất, Kim Loan không kềm được nước mắt, cô rưng rưng kể về những căn bệnh quái ác đang từng ngày hành hạ cơ thể bé nhỏ của mình.

“Em từng tính bỏ thi rồi, vì trước khi thi em từng đi cấp cứu hai lần. Em không biết mình bị bệnh gì, siêu âm, X-Quang đều không ra kết quả. Bác sĩ bảo thôi giờ đang dịch, khi nào đau quá thì vào cấp cứu. Em có một khối u sau đầu. Mắt em từng bệnh rất nặng, tất cả những cọng gân trong mắt đều nổi lên hết. Lúc đó, em không được dùng máy tính, nhưng gia đình lại đang có một biến cố lớn, nên em phải làm việc một ngày 20 tiếng, để kiếm được khoảng 50 triệu/ tháng. Em làm việc một ngày 20 tiếng, 1 tiếng để ăn và 3 tiếng để ngủ. Em làm như thế một tháng và kiếm được rất nhiều tiền để lo cho gia đình, cho căn bệnh. Em có một lời nhắn nhủ, cho dù mình bị bệnh gì đi chăng nữa, mắt mình không sáng nhưng tâm mình sáng thì cũng sẽ có ngày mình vượt qua căn bệnh đó thôi” – Kim Loan tâm sự.

Ngược dòng cảm xúc, sếp Hùng Anh tiếp lời để đặt câu hỏi về chuyên môn BA của ứng viên: “Em nói từng làm BA cho một phần mềm, vậy phần mềm đó đã được vận hành chưa?”

“Phần mềm đó đã được vận hành rồi nhưng khi nó vận hành thì em đi nước ngoài nên có một người khác tiếp quản phần UAT (Kiểm thử chấp nhận của người dùng) và phần Guarantee (Đảm bảo chất lượng)” – Nữ ứng viên 9x cho biết.


Sếp Trí tìm hiểu ứng viên: “Em là cử nhân Quản trị Kinh doanh đúng không? Vậy cơ duyên nào để em chọn làm BA? Sau BA thì em định hướng sẽ làm gì?”

Để trả lời tường tận cho câu hỏi của sếp Trí, Kim Loan đã chuẩn bị bản trình chiếu power point để chia sẻ về lộ trình 5 năm tới của mình: “Em có 2 con đường, thứ nhất làm BA, thứ hai làm DA (Data Analyst – Chuyên viên phân tích dữ liệu). Với con đường thứ nhất BA, 5 năm sau em muốn trở thành một Senior Consultant (Tư vấn cao cấp). Với con đường DA thì 5 năm sau em muốn trở thành một Analytics Manager (Quản lý phân tích dữ liệu)”.

Kể về cơ duyên để trở thành một BA, Kim Loan cho biết lý do đầu tiên là vì tiền. “Năm 3 đại học, có một người thầy giới thiệu công việc BA cho em, lúc đó em không biết BA là gì cả, em lên google tìm kiếm thông tin thì thấy lương của BA rất cao. Gia đình em cần mức lương cao như vậy và em đồng ý với thầy em làm công việc đó. Sau đó đến dự án 1 triệu đô tiếp theo, thì khách hàng là người Singapore gốc Hoa. Em là người duy nhất có thể chốt yêu cầu bằng tiếng Hoa. Đến nỗi nhân viên của người khách đó cũng ngạc nhiên là sao em có thể chốt nhanh đến vậy. Và đó là con đường sự nghiệp của em” – Nữ ứng viên bổ sung.

Sếp Thông là người tiếp theo tìm hiểu ứng viên: “Nhìn trên bản trình chiếu thì có vẻ em thích đi theo con ngưởi DA hơn là BA. Tại sao em nghĩ mình phù hợp với DA hơn? Em mạnh về toán hay những thứ thiên về định tính hơn định lượng?”

“Hiện tại, em đã làm vài sản phẩm, mang đi thi các cuộc thi và giành được vài chục triệu giải thưởng. Em nghĩ là khả năng của em mạnh về cái đó. Về năng lực học tập, bắt em học cái gì thì em sẽ học được cái đó. Cho dù em dở toán, bắt em học thì em vẫn học được. Em vừa đăng ký một khóa học về Data Science (Khoa học dữ liệu). Nhưng đánh giá về đầu óc Marketing thì em cũng làm được. Như trong sản phẩm tham gia cuộc thi vừa rồi, em đã xác định phân khúc khách hàng, chiến lược marketing bao nhiêu, đưa ra một bức tranh toàn cảnh trước khi em bắt tay vào làm chi tiết phần mềm. Nó khác hẳn các bạn sinh viên khác. Các bạn thua em không phải vì sản phẩm dở hơn mà vì tầm nhìn các bạn chưa tới” – Kim Loan tự tin khẳng định.


Sếp Thuấn là người cuối cùng đặt câu hỏi cho ứng viên ở vòng Chinh phục: “Khi phân tích thị trường thì chỉ số nào là em quan tâm nhất?”

“Em sẽ nhắm đến thu nhập của khách hàng đầu tiên vì bản thân em đã trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc sống, có những lúc toàn đi mượn nợ để sống, có những lúc kiếm 50 triệu/ tháng thì thói quen tiêu dùng cũng đã thay đổi. Trước tiên em sẽ xác định thu nhập của một người, người ta hay mua hàng ở đâu, mua cái gì, rồi mới quan tâm đến các chỉ số khác. Vì không có tiền không có tư cách mua được sản phẩm” – Kim Loan lý giải.

Kết thúc vòng Chinh phục, Kim Loan nhận được tất cả 6 đèn xanh từ 6 sếp quyền lực. Đây là kết quả xứng đáng cho khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, năng lực xử lý vấn đề cũng như sự tự tin, điềm tĩnh của cô nàng 26 tuổi trên sân khấu.

Vòng 3 – Cơ hội cho ai

Trước khi công bố mức lương kỳ vọng, các sếp đưa ra những đãi ngộ tại doanh nghiệp để thu hút và chiếm thiện cảm từ ứng viên.

Sếp Hùng Anh cho biết: “Em về làm team leader cho nhóm BA hoặc DA nếu em muốn. Hiện tại anh có hơn một triệu khách hàng cá nhân. Về với anh sẽ có “game” cho em “chơi”.

Sếp Trí chia sẻ: “Cái mà anh có thể offer cho em là BA cho những lĩnh vực mà em có thể lựa chọn. Thứ nhất là một ứng dụng cung cấp dịch vụ viễn thông, hoặc cung cấp dịch vụ về ăn gì – chơi gì – ở đâu cho người dùng, hoặc ứng dụng liên quan đến dịch vụ về tài chính. Sau đó, em cũng được offer vào team phát triển nền tảng cơ sở dữ liệu khách hàng. Anh nghĩ cái nền tảng này rất tốt để em đi theo con đường DA mà em muốn. Ngoài lương, anh sẽ offer thêm cổ phiếu ESOP cho em. Khi công ty phát triển thì em sẽ có lợi nhuận rất tốt”.

Sếp Dũng khẳng định: “Anh offer vị trí trợ lý cho anh. Vị trí này thì em vừa có thể làm công việc phân tích, vừa tham gia các dự án. Thời gian làm việc của em được linh động. Về ưu đãi, em chắc chắn sẽ có ESOP. Hiện nay, nhân viên Dh Foods đã chiếm 15% cổ phiếu của công ty rồi. Tất cả nhân viên thành cổ đông của công ty”.

Sếp Nga dành nhiều thiện cảm cho ứng viên: “Chị offer cho em vị trí mà chị chưa bao giờ offer trong chương trình này. Đó là vị trí trợ lý cho chị. Chị thấy tuổi đời em còn nhỏ nhưng kỹ năng rất tốt nên chị muốn giữ em bên mình”.

Sếp Thông chứng tỏ sự thấu cảm và dành sự quan tâm âm áp cho ứng viên:”Nếu em đi theo đường BA thì em nên về với công ty công nghệ của anh Trí sẽ tốt hơn. Còn nếu em muốn đi theo đường DA, bên anh đang triển khai những cái gần giống với cái em làm, tụi anh không viết phần mềm mà chỉ sử dụng kết quả để nhìn customer insight (Thấu hiểu khách hàng). Nếu em đi theo đường DA thì anh có thể offer cho em vị trí Chuyên viên Cao cấp về Phân tích Dữ liệu và Hành vi Khách hàng. Một offer khác không liên quan đến công việc, nếu em cần những hỗ trợ về mặt y tế, thì anh có network để kết nối giúp em, giới thiệu em đến các bệnh viên quốc tế để làm rõ căn bệnh của em. Nếu em chọn về với bất cứ sếp nào trong đây thì anh đều có thể kết nối việc này cho em. Nếu em cần lời khuyên, anh luôn bên cạnh”.


Sếp Thuấn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước thái độ đối mặt với nghịch cảnh của Kim Loan: “Anh đang hướng em về công ty mà anh mới đầu tư vào 6 tháng nay. Đó là một nền tảng phân phối. Tuy nhiên thời điểm này, khối lượng công việc chưa nhiều nên ngân sách cho vị trí này sẽ không cao. Tuy nhiên anh vẫn bấm đèn xanh bởi anh rất khâm phục nghị lực của em. Công ty anh có một quỹ, vừa rồi đã cứu trợ cho 7000 sinh viên mắc kẹt do COVID-19. Nếu em với anh, em đi khám bệnh, chữa bệnh, kể cả 1 hay 2 tỷ anh đều hỗ trợ hết 100%. Còn nếu em về với các sếp khác, thì anh sẽ tài trợ 50%.

Mức lương kỳ vọng của Kim Loan là 24.310.819 đồng. Lý giải cho con số có phần khúc khuỷu này, nữ ứng viên cho biết năm cô 24 tuổi, ngày 31/08/2019, cô đã buông bỏ tất cả để đi nước ngoài. Đó là một bước ngoặc trong cuộc đời cô và cô mong đến với Cơ hội cho ai là bước ngoặc tiếp theo.

Kim Loan nhận được 6 lời mời làm việc tại:

– BIN Corporation Group cho vị trí Trưởng nhóm Nghiên cứu Nghiệp vụ Kinh doanh với mức lương 30 triệu đồng

– Bảo Ngọc cho vị trí Trưởng nhóm phân tích dữ liệu thị trường nền tảng phân phối ngành hàng FMCG với mức lương 26 triệu đồng

– Elise cho vị trí Trợ lý Cao cấp với mức lương 30 triệu đồng

– PNJ cho vị trí Chuyên viên Cao cấp Phân tích Dữ liệu và Hànhvi Khách hàng với mức lương 27.670.009 đồng

– ASIM cho vị trí Senior BA với mức lương 30 triệu đồng

– Dh Foods cho vị trí Trợ lý Tổng giám đốc với mức lương 37 triệu đồng

Trong số 6 offer, có 3 lời mời làm việc mà ứng viên cảm thấy phù hợp với tình huống của bản thân nhất, lần lượt thuộc về: Sếp Trí, sếp Thông và sếp Dũng.

Trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng, Kim Loan đã lựa chọn sếp Trí và sếp Dũng để đặt câu hỏi tìm hiểu sâu hơn.

Câu hỏi mà ứng viên dành cho sếp Trí là nếu em làm Senior BA thì team của em sẽ có bao nhiêu người và em có bao nhiêu sếp trực tiếp?

Giải đáp cho ứng viên, vị sếp ASIM cho biết: “Mô hình mình hoạt động theo scrum (một khung tổ chức công việc phổ biến trong các dự án phát triển phần mềm). Team có từ 10 đến 12 người. Em sẽ học cách làm việc với các bạn trong team để sản phẩm được deliver (truyền tải) thông qua team dev bên dưới”.

Câu hỏi mà Kim Loan dành cho sếp Trí là sản phẩm của Dh Foods đang nhắm đến thị trường nào và mục tiêu gần nhất trong 3 năm tới công ty sẽ đạt được điều gì?

“Thị trường Dh Foods đang nhắm đến là Việt Nam, hiện nay mình đang phủ hết. Bên cạnh đó, mình sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm, đặc sản vùng miền và mình xuất khẩu. Hiện nay, công ty đã xuất khẩu sản phẩm được đi Nhật, châu Âu, Đức, Hà Lan, Anh, toàn thị trường khó. Chất lượng xuất khẩu hay nội địa là như nhau, không phân biệt” – Sếp Dũng chia sẻ.

Tiếp tục đặt câu hỏi cho sếp Dũng, Kim Loan bổ sung: “Vị trí này, mức lương này ngoài những công việc giao khoán, thì em có phải chạy số hay không?”

“Bên anh ngay cả Giám đốc Kinh doanh cũng không phải chạy số. Chạy số là giết chết sự sáng tạo. Trong một tháng hay một năm, nếu anh hoàn thành mục tiêu thì sẽ bỏ qua những mục tiêu dài hạn” – Sếp Dh Foods khẳng định.


“Sứ mệnh của cuộc đời em chia làm 3 bước. Bước thứ nhất là mang hình ảnh của người trong huyện đi lên tỉnh. Bước thứ hai là đem hình ảnh của người trong tỉnh đi lên quốc gia, hôm nay đến đây em đã đạt được bước thứ hai. Bước thứ ba là đem hình ảnh của người Việt Nam đi ra Thế giới. Và sếp Dũng sẽ là người đưa em đi đến con đường đó” – Kim Loan bộc bạch trước khi đưa ra quyết định đầu quân cuối cùng về Dh Foods cho vị trí Trợ lý Tổng giám đốc với mức lương 37 triệu đồng.

Bày tỏ cảm xúc sau khi chốt thương lượng thành công cùng Dh Foods, Kim Loan trải lòng: “Em rất hạnh phúc và vinh dự. Điều đầu tiên là mẹ em thấy em trên TV. Điều thứ hai là khi đến đây những mong ước của em trở thành hiện thực. Em đã từng rất quan trọng chuyện tiền bạc, đối với em bây giờ, tiền bạc không còn quá quan trọng nữa. Nhưng em vẫn phải làm việc, kiếm nhiều tiền vì trách nhiệm với gia đình”.

Có đôi chút tiếc nuối khi để vụt mất ứng viên ưng ý, sếp Trí cho biết: “Cái mà Loan muốn đem Việt Nam ra Thế giới là điều tôi chưa kịp nói. Nhà mạng Local mang những gì tốt đẹp nhất của Việt Nam ra Thế giới. Tôi tin cái duyên đã đến giữa Loan và anh Dũng. Trong tương lai, hy vọng sẽ gặp lại bạn ấy không phải trong vai trò nhân viên của Local, mà có thể với tư cách một người em, một người bạn. Khi Loan cần giúp đỡ thì bản thân tôi cũng rất sẵn sàng”.

Chia sẻ thêm về cam kết hỗ trợ chữa bệnh cho Kim Loan, sếp Thuấn khẳng định: “Loan là một ứng viên đặc biệt. Bạn ấy vừa có một tâm hồn đẹp, vừa có một trái tim sắt đá để vượt qua chính mình. Bạn ấy đã vượt lên trên số phận để trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để không chỉ phục vụ cho bản thân, mà còn cho xã hội. Tôi vô cùng cảm kích. Nếu sắp tới đây, bạn tìm ra bệnh, đi chữa bệnh, thậm chí đi nước ngoài, tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ. Tôi nghĩ hành động, tinh thần này sẽ giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Về tài năng của Loan thì không cần phải bàn cãi, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của tôi chưa phù hợp để thu hút bạn. Nhưng chúng tôi luôn cam kết luôn dõi theo bạn, khi bạn phát hiện bệnh, nằm viện, chữa trị như thế nào thì chúng tôi đều thực hiện đúng như cam kết.”

Thanh Trúc
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét