Tencent Holdings và ByteDance là hai trong số nhiều công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào các quán cà phê và đặt cược rằng mô hình này cũng sẽ phát triển như các phẩm công nghệ của họ.
Bất chấp bê bối về việc nâng khống doanh thu của chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc Luckin Coffee gây nhiều tổn thất cho giới đầu tư, các ông lớn về công nghệ vẫn chọn lĩnh vực này để rót vốn, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển. Theo Nikke Asia, thị trường quán cà phê dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số trong thời gian tới. Và nổi bật là Manner Coffee, một chuỗi cà phê được ByteDance đầu tư. Đặc trưng của Manner Coffee là có hạt cà phê tự rang và phong cách thiết kế tối giản, đẹp mắt đồng bộ ở tất cả cửa hàng.
Chen - nhân viên văn phòng của một công ty ở Thượng Hải nói: “Tôi thường đến Manner Coffee vì cà phê ở đây ngon, thiết kế quán đơn giản nhưng làm tôi ấn tượng”. Trước đây Chen là khách quen của Starbucks nhưng hiện Manner Coffee là lựa chọn của cô vì giá thấp hơn.
Manner Coffee thành lập từ năm 2015, hướng đến mọi đối tượng khách hàng với giá của mỗi sản phẩm dao động từ 10 - 20 nhân dân tệ (tương đương 1,55 - 3,10 USD). So với giá gấp đôi tại Starbucks, thì Manner Coffee dễ dàng cạnh tranh hơn. Vì vậy, chuỗi cửa hàng nhanh chóng mở rộng và phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có start up gọi đồ ăn Meituan và chủ sở hữu TikTok - ByteDance.
Tim Hortons - chuỗi cửa hàng cà phê và bánh rán của Canada bước vào thị trường Trung Quốc từ năm 2019. Đến nay Tim Hortons đã có khoảng 200 cửa hàng. Tencent đã hai lần rót vốn vào Tim Hortons, lần đầu là tháng 5/2020 và gần đây nhất là tháng 2/2021.
Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, các chuỗi cà phê mới nổi sẽ sử dụng nguồn vốn được đầu tư để đẩy nhanh chiến lượt tăng trưởng. Tim Hortons có kế hoạch mở thêm 200 cửa hàng trong năm nay. Và với sự đầu tư của Tencent, Tim Hortons mong muốn xây dựng đế chế với 1.500 cửa hàng tại Trung Quốc trong vòng vài năm tới.
Manner Coffee hiện chỉ có hơn 130 cửa hàng nhưng được công ty phân tích ITJuzi, Bắc Kinh định giá ở mức 2,5 tỷ USD với tiềm năng lớn. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà các ông lớn công nghệ lựa chọn theo đuổi các chuỗi cà phê. Theo Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan, thị trường quán cà phê sẽ đạt mức 120 tỷ nhân dân tệ (18,5 tỷ USD) vào năm 2023. So với năm 2020, thị trường đang tăng trưởng khoảng 90 tỷ nhân dân tệ. Kể từ năm 2018 đến nay, thị trưởng đang mở rộng ở mức trung bình là 15%/năm.
Với các gã khổng lồ công nghệ, việc đầu tư vào chuỗi cà phê là một kế hoạch dài hạn, tác động hai chiều trong chiến lược kinh doanh của họ. Xem xét các quán cà phê thường được giới trẻ đến, nhóm các công ty công nghệ nhận định đây là địa điểm tốt để họ quảng bá các sản phẩm, trò chơi hoặc video trực tuyến. Họ tin rằng gia tăng tương tác giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng sẽ thúc đẩy thương hiệu thâm nhập thị trường nhanh hơn.
Tencent - nhà phát triển game nổi tiếng, đã cùng với Tim Hortons mở các cửa hàng cà phê thể thao điện tử. ByteDance dự kiến sẽ hợp tác với Manner Coffee bằng cách khai thác những người có ảnh hưởng trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, để quảng bá sản phẩm. Năm 2018, Alibaba Group Holding đã hợp tác với Starbucks trong nhiều chương trình khuyến mãi điện tử. Theo thỏa thuận, ứng dụng giao đồ ăn Ele.me của Alibaba sẽ nhận đơn đặt hàng và giao cà phê Starbucks đến với khách hàng. Đối thủ của Ele.me là Meituan cũng đang ủng hộ Manner Coffee với mong muốn hợp tác giao cà phê và xúc tiến bán hàng.
Văn hóa uống cà phê tại các cửa hàng của người Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1999, khi Starbucks lần đầu gia nhập thị trường. Hiện nước này đang có nhiều thương hiệu cà phê với hàng loạt cửa hàng như: Pacific Coffee, Costa Coffee - chuỗi cửa hàng của Anh dưới sự bảo trợ của Coca-Cola. Những năm gần đây, Starbucks đang đẩy mạnh mở rộng số lượng cửa hàng, Luckin Coffee sau bê bối cũng đang tự tái cấu trúc. “Với sự tham gia của các ông lớn công nghệ như hiện nay, thị trường quán cà phê tại Trung Quốc sẽ còn có những thay đổi lớn hơn nữa” - Nikkei Asia nhận định.
Thiên Long
0 nhận xét :
Đăng nhận xét