Theo Nikkei Asia, trong mùa hè này, Chính phủ Nhật Bản dự định cấp giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 (hộ chiếu vaccine) cho những người đã tiêm chủng để họ được ra nước ngoài, với hy vọng thúc đẩy việc đi công tác và các hoạt động kinh tế khác.
Hộ chiếu vaccine đang được nhiều nước trên thế giới triển khai. Vào tháng 7/2021, khi lệnh dỡ bỏ hạn chế việc đi lại giữa các nước thành viên có hiệu lực, Liên minh Châu Âu sẽ cấp chứng nhận này. Ở Nhật Bản hiện tại một số quan chức cấp cao của chính phủ khi đến Mỹ và một số quốc gia Châu Âu, đều phải mang theo giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine. Đây được xem là điều kiện bắt buộc để nhập cảnh.
Vì vậy, nhóm Liên ngành do Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato dẫn đầu đang thảo luận về chương trình cấp hộ chiếu vaccine chính thức dành cho doanh nhân và người Nhật thường xuyên ra nước ngoài. Dự kiến, trong mùa hè này các chứng nhận bằng giấy sẽ được cấp và đến cuối năm, tất cả sẽ chuyển đổi sang phiên bản kỹ thuật số, có thể sử dụng trên điện thoại thông minh.
Tấm hộ chiếu vaccine được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ hợp tác, kinh doanh giữa Nhật Bản và các nước nhiều hơn. Ông Ken Kobayashi - Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Nhật Bản nói: “Từ quan điểm của một doanh nhân, với tôi việc sở hữu hộ chiếu vaccine là điều lý tưởng để được di chuyển tự do”.
Theo kế hoạch, việc cấp hộ chiếu vaccine sẽ do chính quyền mỗi địa phương quản lý vì nơi này trực tiếp nắm thông tin của người dân và triển khai tiêm chủng. Nội dung giấy chứng nhận sẽ bao gồm thông tin cá nhân, loại vaccine đã tiêm và ngày tiêm. Chính phủ Nhật Bản sẽ đảm bảo tính chính xác bằng cách liên kết giấy chứng nhận với hệ thống hồ sơ tiêm chủng quốc gia. Khi di chuyển trên các chuyến bay quốc tế hoặc nhập cảnh nước ngoài, người dân chỉ cần xuất trình hộ chiếu vaccine. Người nước ngoài sống tại Nhật Bản cũng được cấp chứng nhận nếu đảm bảo các quy định về tiêm chủng.
Chương trình hộ chiếu vaccine này được Tokyo học hỏi từ dự án Chứng chỉ Covid kỹ thuật số của EU sẽ ra mắt vào ngày 1/7. Chứng chỉ này EU cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc đã khỏi Covid-19, giúp họ được miễn trừ quy định cách ly và xét nghiệm khi di chuyển trong khối. Tháng này, 7 quốc gia bao gồm cả Đức sẽ áp dụng.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng hộ chiếu vaccine có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử với những người không được tiêm chủng. Ở Mỹ, mỗi bang đang áp dụng những cách tiếp cận khác nhau với vấn đề này. New York ra mắt ứng dụng Excelsior Pass trên điện thoại thông minh, hiển thị lịch sử tiêm chủng của cá nhân. Ứng dụng này đã được tải xuống hơn 1 triệu lần.
Thống đốc bang Georgia, ông Brian Kemp thì cấm các cơ quan công quyền của bang yêu cầu hộ chiếu vaccine với lý do: “Tiêm chủng là quyết định cá nhân giữa mỗi người dân và một chuyên gia y tế. Chính quyền tiểu bang không có quyền can thiệp”. Ông cũng khẳng định, bang Georgia sẽ không chia sẻ hồ sơ tiêm chủng của công dân tiểu bang với bất kỳ tổ chức nào theo chương trình hộ chiếu vaccine.
Theo truyền thông Mỹ, hiện có ít nhất 10 bang phản đối vấn đề này.
Trước khi đưa ra quyết định, Nhật Bản đã cân nhắc khá kỹ càng. Giải pháp được đưa ra là chính quyền trung ương phải tạo các hướng dẫn và quy tắc thống nhất, đảm bảo người dân cả nước thực hiện như nhau với hy vọng nhanh chóng đưa các hoạt động kinh tế bình thường trở lại. Trang Nikkei Asian cũng nhận định, để chương trình hộ chiếu vaccine hoạt động tốt, vấn đề hợp tác quốc tế, đồng thuận giữa các quốc gia là điều vô cùng cần thiết.
So với các nước phát triển khác, Nhật Bản khá chậm trong việc tiêm chủng vaccine nhưng hiện nay nước này đang nhập thêm một số lượng lớn vaccine của Pfizer và Moderna - hai công ty sản xuất vaccine hàng đầu của Mỹ.
Từ tháng 4/2021, Nhật Bản đã tiến hành tiêm chủng cho người dân từ 65 tuổi trở lên và từ 21/6, nước này sẽ mở chiến dịch tiêm chủng đại trà tại tất cả doanh nghiệp.
Nguyên Vũ
0 nhận xét :
Đăng nhận xét