Theo các chuyên gia, VN-Index có thể tăng khoảng 12% nữa, lên hơn 1.500 điểm vào cuối năm nay, với lực đẩy chính đến từ các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân.
Bất chấp làn sóng Covid-19 thứ 4 cùng lo ngại về rủi ro "Sell in May", thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua một tháng giao dịch đầy phấn khởi, khi VN-Index liên tiếp phá đỉnh và tiếp tục là chỉ số chứng khoán lớn tăng mạnh nhất khu vực.
Kết phiên giao dịch 3/6/2021, VN-Index tăng 23,5 điểm, lên 1.364,28 điểm. Toàn sàn có 339 mã tăng, 75 mã giảm và 47 mã đứng giá. Trong khi đó, HNX-Index tăng 7,9 điểm, lên 329,55 điểm. Toàn sàn có 154 mã tăng, 71 mã giảm và 60 mã đứng giá. Riêng UPCoM-Index tăng 1,28 điểm, lên 90,67 điểm.
So với đầu năm, VN-Index đã tăng hơn 21% và tăng 7,15% trong riêng tháng 5 - mức tăng tốt nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. TTCK đi lên mạnh mẽ đã khiến hàng loạt kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” của chứng khoán Việt Nam bị xô đổ trong 5 tháng đầu năm nay.
Trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM, các chỉ số chính đều lập đỉnh, nâng giá trị vốn hoá TTCK (không bao gồm trái phiếu) lên hơn 6,44 triệu tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay. NĐT nội địa tiếp tục mua cổ phiếu (CP); thanh khoản bùng nổ với nhiều phiên khớp lệnh tỷ USD; số tài khoản mở mới đạt kỷ lục và làn sóng bán ròng lớn chưa từng có của khối ngoại là các dấu ấn của TTCK trong thời gian qua.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 5/2021, NĐT trong nước đã mở mới 113.674 tài khoản, tăng hơn 3.000 so với tháng trước, vượt kỷ lục đạt được trước đó vào tháng 3/2021. Từ đầu năm đến nay, NĐT trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản, vượt qua số tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản). Cần biết rằng, số tài khoản mở mới trong năm ngoái đã là kỷ lục từ trước tới nay.
Dòng tiền "ồ ạt" chảy vào TTCK giúp thanh khoản đạt kỷ lục. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường leo lên 1,24 tỷ CP, tức giá trị giao dịch gần 36.800 tỷ đồng; riêng giao dịch khớp lệnh đạt gần 35.000 tỷ đồng. Ngoài ra, giá trị khớp lệnh sàn HoSE và HNX cũng lập kỷ lục với 27.740 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận, thanh khoản bình quân mỗi phiên trong tháng 5 trên HoSE lên đến 21.937 tỷ đồng, tăng 26% so với tháng trước và gấp 3,5 lần năm ngoái.
Theo Bloomberg, TTCK Việt Nam tăng bền bỉ một phần nhờ vào nỗ lực dập dịch của Chính phủ và nhu cầu lớn từ NĐT cá nhân tận dụng lãi suất thấp. Sự trở lại của NĐT nước ngoài cũng có thể là chất xúc tác cho TTCK Việt Nam sau khi khối ngoại bán ròng liên tiếp 8 tháng.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia phân tích cho rằng, VN-Index có thể sẽ tăng khoảng 12% nữa, lên hơn 1.500 điểm vào cuối năm nay, với lực đẩy chính đến từ nhu cầu của NĐT cá nhân dành cho các CP có định giá tương đối hấp dẫn. Trong khi đó, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo VN-Index sẽ có lúc vượt 1.400 điểm trong năm 2021, và ước tính thận trọng dao động quanh ngưỡng 1.400 điểm trong năm 2022.
Theo báo cáo của SSI Research, trong quý I/2021, các công ty chứng khoán niêm yết đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, thống kê 31/35 CTCK niêm yết có lợi nhuận trước thuế đạt tổng cộng 3.716 tỷ đồng, tăng gần 46 lần so với mức 81,4 tỷ đồng trong quý I/2020. Báo cáo cho biết, doanh số giao dịch toàn TTCK quý I/2021 tăng 283% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,1 triệu tỷ đồng. Trong nửa đầu quý II/2021, doanh số giao dịch thị trường tăng 22% so với quý trước và tăng 306% so với cùng kỳ.
Theo Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức của HSC Stephen McKeever, TTCK Việt Nam đang được hỗ trợ bởi thanh khoản, và các yếu tố cơ bản như tăng trưởng kinh tế cũng như định giá đều thuận lợi. Ông McKeever cho rằng, doanh nghiệp Việt có thể tăng trưởng lợi nhuận gần 30% năm nay và đặt mục tiêu cho VN-Index vào cuối năm 2021 là 1.500 điểm.
Dự báo về triển vọng của VN-Index, Giám đốc Phát triển Khách hàng Tổ chức tại Công ty Chứng khoán SSI Cao Thị Ngọc Quỳnh tin rằng, chỉ số này sẽ tăng 30% so với cuối năm ngoái, và TTCK sẽ có "thời khắc chưa từng có". Bà cho biết, trong bối cảnh dòng vốn từ NĐT nội địa đổ vào thị trường lớn hơn lượng vốn ngoại rời thị trường, môi trường vĩ mô vững chắc cùng lãi suất thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp, và tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Ông Andrew Brudenell - Giám đốc thị trường CP cận biên tại Ashmore Group (Anh) cho rằng, khi tăng trưởng kinh tế được duy trì suốt đại dịch nhờ các nỗ lực theo dõi, truy vết và giãn cách xã hội, Việt Nam sẽ là TTCK nhỏ mới nổi được yêu thích. Đồng thời, tình hình tài chính của quốc gia vẫn vững chắc, dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài duy trì mạnh mẽ và đầu tư cơ sở hạ tầng đang tăng. Dân số Việt Nam nhiều, trẻ và vẫn đang tăng sẽ mang lại triển vọng tốt cho tiêu dùng, bên cạnh quy mô thị trường được cải thiện cả về chiều rộng và sâu, với sự tham gia ngày một nhiều của các NĐT cá nhân trong nước.
Minh Tú
0 nhận xét :
Đăng nhận xét