Giàu càng thêm giàu, khối tài sản của các gia đình tài phiệt ở Mỹ tăng 136 tỷ USD bất chấp dịch bệnh

10 gia đình giàu nhất nước Mỹ đã chứng kiến ​​khối tài sản của họ tăng trung bình 25% trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh.

Theo báo cáo mới công bố của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), tổng giá trị tài sản ròng của 10 gia đình giàu nhất ở Mỹ đã mở rộng thêm 136 tỷ USD, tăng trung bình 25% kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới vào tháng 3/2020.

Báo cáo này đánh giá lại khối tài sản của 50 gia đình giàu có hàng đầu nước Mỹ dựa theo bảng xếp hạng đầu tiên của Forbes và chỉ ra những doanh nghiệp gia đình phát triển qua nhiều thế hệ ghi nhận khối tài sản tăng theo cấp số nhân trong thời dịch. Sự giàu có của những gia đình này không thay đổi nhiều mà còn "phình to" thêm trong nhiều thập kỷ.

Điển hình như vào năm 1983, hệ thống bán lẻ Walmart của gia đình Walton chỉ có giá trị 2,15 tỷ USD. Sau gần 40 năm, hậu duệ của gia đình này hiện nắm giữ khối tài sản lên đến 247 tỷ USD tính đến cuối năm 2020, theo Guardian.

Tương tự, gia đình của ông trùm mỹ phẩm Lauder đứng sau đế chế Estée Lauder đã giàu thêm 83% trong thời kỳ dịch bệnh, với khối tài sản tăng gần gấp đôi so với mức trước Covid19.

  

Ngay cả gia đình có mức tăng tài sản thấp nhất là SC Johnson đứng sau công ty thương mại gia đình SC Johnson & Son cũng chứng kiến mức tăng trưởng 9% với khối tài sản tăng hơn 1 tỷ USD.

"Những gia đình tỷ phú của nước Mỹ giàu càng thêm giàu khi tài sản của họ tăng theo cấp số nhân bất chấp cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục và nhiều gia đình Mỹ khác đang phải vật lộn để kiếm sống", theo đánh giá của báo cáo.

Số liệu của IPS cho thấy 50 gia đình tỷ phú giàu nhất nước Mỹ đang sở hữu khối tài sản trị giá 1.200 tỷ USD. Trong khi đó, tổng tài sản của khoảng 65 triệu hộ gia đình còn lại tại nước này chỉ vào khoảng 2.500 tỷ USD.

Thực tế đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ. Điều này tạo nên sự phục hồi hình chữ K ở nước này khi tầng lớp trung lưu, thượng lưu và những người giàu có ngày càng thêm giàu trong khi phần còn lại chứng kiến những khó khăn ngày càng trầm trọng.

Ngay cả trong giới người giàu, vấn đề bất bình đẳng thu nhập cũng đang xảy ra bởi nhóm những người siêu giàu có tốc độ tăng trưởng tài sản cao hơn rất nhiều so với nhóm ít giàu có hơn. Kể từ năm 1983 đến năm 2020, riêng tài sản của 5 gia đình giàu nhất nước Mỹ đã tăng trung bình 2.484% trong khi mức trung bình của các gia đình khác vào khoảng 1.000%.

Chuck Collins, giám đốc chương trình IPS về Bất bình đẳng và Lợi ích chung, cho rằng những gia đình tài phiệt này không chỉ kiếm nhiều tiền hơn mà còn biết cách đưa nó ra khỏi vòng kiểm soát của cơ quan thuế.

Những gia đình này thường né thuế bằng việc sử dụng các quỹ từ thiện gia đình cũng như các công cụ ủy thác khác để bảo vệ khối tài sản khổng lồ. Mới đây tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với làn sóng kêu gọi áp dụng thuế tài sản sau một báo cáo cáo buộc các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ, bao gồm Elon Musk và Jeff Bezos đã né nộp thuế thu nhập trong vài năm.

Theo tính toán của Tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận ProPublica, tổng tài sản của 25 người giàu nhất Mỹ đã tăng 401 tỷ USD trong vòng 4 năm (từ 2014 đến 2018). Tuy nhiên, trong thời gian này, họ chỉ nộp 13,6 tỷ USD thuế thu nhập liên bang, bằng 3,4% mức tăng tổng tài sản của họ.

Trước tính trạng này, chính quyền Mỹ đã phải đưa ra một số đề xuất nhằm hạn chế việc tích lũy tài sản của các gia đình này như đạo luật “Make Billionaires Pay” được các thượng nghị sĩ đưa ra nhằm đánh thuế 60% đối với thu nhập của các tỷ phú trong năm 2020. Cùng với đó việc tăng cường tài trợ cho Sở Thuế vụ (IRS), tăng thuế thừa kế và di sản cũng đang được xem xét.

Tuy nhiên ngay cả những đề xuất trên được thực hiện, các gia đình siêu giàu này vẫn có thể lợi dụng các lỗ hổng về thuế để che giấu khối tài sản thực sự, theo ông Collins.

Khải Hoàng
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét