Chỉ số VN-Index bật tăng: Cần cẩn trọng và tỉnh táo

Sau điều chỉnh ngắn ngủi vào trung tuần tháng 4, chỉ số VN-Index đã bật tăng tính từ ngày 27/4/2021 cho đến nay, với mức tăng 11%. Riêng trong tháng 5 đã tăng hơn 7%, cao nhất tại châu Á. Đặc biệt, thị trường đã tăng tốc trong nửa cuối tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, nhất là sau khi VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.300 điểm.

Sự bứt phá của chỉ số chung đã kích thích dòng tiền rót mạnh vào thị trường, khiến sàn HoSE lại nhiều phen bị quá tải, nghẽn lệnh, phải ngừng giao dịch sớm. Đơn cử như trong phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 6, với giá trị giao dịch lên đến 21.700 tỷ đồng chỉ trong buổi sáng, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã buộc phải “ngắt cầu dao” sớm, theo đó kết thúc giao dịch ngay trong phiên sáng và nghỉ phiên chiều.

Dịch Covid-19 bùng phát dường như không làm nản chí các nhà đầu tư, thậm chí có thể còn khuyến khích dòng vốn chạy vào thị trường chứng khoán để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Nhiều nhà đầu tư ắt hẳn vẫn chưa quên thị trường đã đi lên mạnh mẽ trong tháng 4 năm ngoái, khi dịch bệnh lây lan, buộc Chính phủ phải giãn cách xã hội toàn quốc vào giai đoạn đó. Giờ đây, có lẽ không ít người tin rằng diễn biến đó có thể lặp lại, nhất là khi VN-Index đang trong xu hướng tăng mạnh và phía trước không có đỉnh cao nào được xem là kháng cự. Số lượng tài khoản mở trong tháng 5 tiếp tục ở mức cao, hơn 114.100 tài khoản, nâng số tài khoản mới lũy kế 5 tháng đầu năm đạt hơn 482.700 tài khoản, dường như là cơ sở củng cố cho luận điểm này.

Trước tình hình này, nhiều nhà đầu tư không tránh khỏi tâm lý lạc quan quá mức, nhất là khi các công ty chứng khoán đưa ra những dự báo tích cực cho thị trường. Mục tiêu 1.380 hay 1.400 điểm đã được nhắc đến trong những ngày đầu tháng 6 này, thậm chí một số chuyên gia phân tích tin rằng chỉ số VN-Index có thể chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm nay.


Tuy nhiên, có lẽ đây là giai đoạn mà các nhà đầu tư cá nhân cần tỉnh táo và cẩn trọng hơn bao giờ hết, khi thị trường có dấu hiệu chạy nước rút đồng nghĩa với rủi ro gia tăng và lợi nhuận tiềm năng không còn cao như trước. Khối lượng giao dịch tăng vọt ngoài nguyên nhân có thể đến từ dòng tiền mới rót vào, cũng không loại trừ khả năng những “tay to” sang tay để kéo giá cổ phiếu nhằm thoát hàng.

Một tín hiệu đáng cảnh báo khác là xu hướng lãnh đạo các doanh nghiệp, cổ đông lớn đăng ký bán hàng loạt cổ phiếu trong những ngày gần đây khi giá cổ phiếu lập đỉnh và nhiều doanh nghiệp bán ra lượng lớn cổ phiếu quỹ để chốt lời. Trong khi đó, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa chấm dứt, thậm chí gia tăng. Chỉ trong ba phiên, từ ngày 31/4 - 2/6/2021, khối ngoại đã bán ròng 3.489 tỷ đồng, tập trung vào các mã vốn hóa lớn, trong đó bị bán ròng mạnh nhất là mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát.

Về góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang nằm trong sóng 5 theo mô hình sóng Elliot, tức là sóng tăng cuối, do đó tiềm năng tăng mạnh có thể bị hạn chế. Các chỉ báo kỹ thuật khác cũng cho thấy thị trường đang đi vào vùng quá mua, hàm ý rủi ro điều chỉnh có thể đến bất cứ lúc nào. Việc hệ thống bị quá tải và do đó sẽ làm hạn chế dòng tiền muốn rót thêm cũng là một trong những yếu tố có thể tạo áp lực tâm lý lên nhà đầu tư.

Về cơ bản, lãi suất đang có dấu hiệu “nhấp nhổm” đi lên trở lại cũng gây ra không ít lo ngại. Không chỉ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đi lên và duy trì ở mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây, một số ngân hàng trong tháng 5 vừa qua cũng đã tăng lãi suất tiền gửi. Cần biết rằng xu hướng lãi suất giảm mạnh trong hơn một năm qua là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán. Và nếu điều này thay đổi, chứng khoán có thể sớm phản ứng tiêu cực.

Cũng cần lưu ý, trong sóng tăng vừa qua, động lực kéo chỉ số chung tăng mạnh đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Với những nhà đầu tư lâu năm, thường có ấn tượng sóng tăng của hai nhóm này thường đánh dấu là sóng tăng cuối của thị trường. Tuy nhiên, điều này không phải luôn đúng, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Do đó, không loại trừ khả năng sau khi dòng tiền đã chốt lời ở các nhóm ngành tăng nóng, có thể luân chuyển sang các nhóm khác để tìm kiếm cơ hội, đặc biệt là những nhóm có thể hưởng lợi trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, trong bối cảnh xu hướng tăng vẫn đang được duy trì. Đợt tăng điểm vừa qua tiền chỉ tập trung ở các mã vốn hóa lớn trong khi nhóm vốn hóa trung bình (midcap) dường như chưa bứt phá mấy.

Tuấn Tú
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét