Lo ngại lãi suất tăng trở lại

Lãi suất tăng mạnh và duy trì ở mức cao trên thị trường 2 (liên ngân hàng) cùng với việc một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất cho vay đang gây ra không ít lo ngại cho nền kinh tế. Liệu xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ ra sao và chịu tác động từ những yếu tố nào?

Lo ngại lãi suất

Mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng trở lại trong gần hai tháng qua. Cập nhật đến ngày 17/5/2021, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng tiếp tục nằm ở mức cao là 1,2%/năm, cao gấp 4,8 lần so với mốc đầu tháng 4. Kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt ở mức 1,33%/năm và 1,38%/năm, cao hơn tương ứng gấp 3,8 lần và 3,2 lần so với cùng thời điểm.

So với mức đáy 0,15%/năm vào cuối năm 2020, lãi suất qua đêm hiện nay cao gấp 8 lần, các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng cao gấp 5,1 lần và 4,6 lần, trong khi kỳ hạn 1 tháng cao hơn gấp 3,8 lần, nằm tại 1,6%/năm. Đáng lưu ý là các kỳ hạn dài hơn như 3 tháng và 6 tháng lại giảm 0,8% so đầu năm, trong khi kỳ hạn 9 tháng cũng giảm 0,5%. Điều này cho thấy nhu cầu vốn trên thị trường 2 hiện nay chủ yếu tập trung ở kỳ hạn ngắn.

Thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) cũng chứng kiến một vài ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trong 1 tháng qua. Đơn cử như vào giữa tháng 4, VPBank tăng 0,2% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, GPBank tăng 0,6% cũng từ kỳ hạn 6 tháng trở lên. Gần đây là SHB từ đầu tháng 5 tăng 0,05% ở kỳ hạn 1 tháng, tăng 0,15% ở kỳ hạn 2-5 tháng và tăng đều 0,2% kỳ hạn 6-11 tháng, các kỳ hạn dài hơn từ 12 tháng trở lên tăng 0,1-0,3%.


Hay như PGBank đã có đến hai lần tăng lãi suất chỉ trong vòng 1 tháng qua, với tổng mức tăng mạnh 0,4% ở kỳ hạn 1-3 tháng, tăng 0,1% ở các kỳ hạn 6, 9, 12 và 13 tháng. Hiện tại ngân hàng này niêm yết mức lãi suất gần như cao nhất thị trường ở các kỳ hạn ngắn. Diễn biến lãi suất bật tăng mạnh và duy trì ở mức cao trên thị trường 2 cùng với việc một số nhà băng bắt đầu tăng lãi suất đang gây ra không ít lo ngại cho nền kinh tế, khi không loại trừ khả năng sẽ có những ngân hàng khác “tiếp bước” tăng lãi suất.

Dù vậy, một số ý kiến tin rằng, xu hướng đi lên của lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa đủ để gây áp lực lên lãi suất huy động. Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay vẫn cách xa mức trần 4%, trong đó mức thấp nhất là 2,75% của Techcombank và cũng chỉ có 5 ngân hàng đang niêm yết ở mức cao là từ 3,9-4%/năm. Các kỳ hạn từ 6-11 tháng cũng phổ biến từ 3,8-5,7%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 4,5-6,5%/năm.

Rủi ro lạm phát?

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 có thể ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước càng có động lực để duy trì mặt bằng lãi suất thấp, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay trong hơn 1 năm qua dù đã giảm nhưng vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng của nền kinh tế.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 5 vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này cảnh báo sự phục hồi kinh tế đang diễn ra có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ. WB khuyến nghị, nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế về y tế và đi lại, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

WB khuyến nghị, nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế về y tế và đi lại, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhưng trong bối cảnh ngân sách vẫn chịu nhiều áp lực đã phần nào hạn chế mong muốn mở rộng tài khóa, do đó vẫn cần sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm nay tuy so với cùng kỳ có cao hơn, nhưng cũng chỉ ở mức trung bình so với những năm trước và có thể sẽ suy yếu trở lại trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch bệnh, vì vậy cũng sẽ giúp giảm áp lực lên lãi suất.

Trước xu hướng dòng tiền rẻ tập trung rót vào các thị trường bất động sản và chứng khoán đã đẩy giá tăng vọt thời gian qua, đưa đến lo ngại có thể dẫn đến bong bóng tài sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm thực thi các giải pháp kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng rót vào những kênh tài sản, do đó cũng có thể kìm hãm đà tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng trong thời gian tới.

Một yếu tố khác cũng có thể tác động tích cực lên lãi suất tiền đồng là sự đi xuống trở lại của tỷ giá USD/VND. Với đồng USD trên thị trường quốc tế giảm mạnh trong những tuần gần đây, giá USD trong nước cũng rớt mạnh, giúp tiền đồng tiếp tục giữ được giá trị ổn định. So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm tăng chưa đến 0,2%, trong khi giá USD tự do sau khi tăng vào cuối tháng 3 hiện đã giảm và thấp hơn cả mốc đầu năm.

Tuy nhiên, một rủi ro đối với lãi suất cần phải dè chừng chính là biến số lạm phát. Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có hai tháng liên tiếp gần đây giảm so với tháng trước, nhưng áp lực tiềm tàng lên lạm phát trong năm nay là rất khó lường. Trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tiếp tục leo thang khi nhiều nước tại châu Á bùng phát dịch bệnh cùng với xu hướng tăng vọt của giá hàng hóa thế giới, từ nông sản, kim loại cho đến nguyên vật liệu, có thể đẩy giá nhập khẩu tăng, từ đó chi phí đầu vào của doanh nghiệp phải tăng.

Khôi Huy 
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét