Cửa thêm rộng cho hàng Việt vào Mỹ

Quan hệ song phương phát triển ấn tượng, kiểm soát tốt Covid-19 cùng với thương mại điện tử trên đà phát triển, Việt Nam đang trong “cơ hội vàng” giao thương với Mỹ.


Cửa càng rộng

Theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập siêu 25 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, tăng 9,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ đã chiếm đến 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 4 tháng qua.

Bộ Công Thương cho biết, nhà nhập khẩu Mỹ tăng mua hầu hết nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,92 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị 3,17 tỷ USD, tăng 6%. Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 5,71 tỷ USD, tăng đến 157%, tương ứng tăng 3,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với ngành hàng dệt may, 4 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu đến 4,7 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

Điều đáng nói là rất nhiều doanh nghiệp (DN) Mỹ nói họ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam. Báo cáo quý I/2021 của Công ty cung cấp giải pháp cho chuỗi cung ứng QIMA (Mỹ), cho biết nguồn cung ứng hàng hoá từ Việt Nam tăng trưởng bền vững trong thời gian qua. Kết quả khảo sát với hơn 700 DN có chuỗi cung ứng quốc tế của DN này cho thấy, khoảng 30% số người mua trên toàn cầu và 38% người mua tại Mỹ đều chọn Việt Nam trong các quốc gia họ dự định tăng lượng mua hàng trong năm nay.

Chia sẻ tại hội thảo hồi cuối tháng 4/2021, ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, Mỹ là thị trường tiềm năng cho DN Việt Nam. Hiện Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác, trong đó Việt Nam đang khẳng định vị thế đối tác hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.


Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tín, cơ quan thương mại Mỹ khuyến khích các DN nước này thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, mở rộng đầu tư, kết nối thị trường hai nước. Đặc biệt hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát tốt Covid-19. Vì vậy, các DN phải nắm bắt được “thời cơ vàng” này để đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả thị trường Mỹ. Đây sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Khai phá thương mại điện tử xuyên biên giới

Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp, các DN Việt Nam còn có cơ hội xuất khẩu trực tuyến sang Mỹ. Theo số liệu từ Amazon Global Selling, năm 2020, nhiều thương hiệu lớn và có tiếng như cà phê Trung Nguyên, giày Bitis đến các nhà sản xuất nội địa như MDK và các công ty khởi nghiệp như Andre Gift Shop và Mary Craft, đều mở rộng và phát triển kinh doanh trên toàn cầu thông qua Amazon và năm 2020 đã có hơn 1 triệu USD hàng hoá Việt được đưa sang Mỹ, tăng gấp ba lần so với nửa năm 2019.

Những năm qua tại Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trên đà phát triển. Từ năm 2020 đến nay, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng đổi từ cách thức mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành trạng thái “bình thường mới”. Bà Phùng Minh Thủy - Đồng sáng lập và Phó giám đốc kinh doanh của HMGpop cho biết: “Sự chuyển dịch từ kinh doanh truyền thống qua thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp công ty tối ưu thời gian và nhân lực. Thông qua sàn điện tử thương mại, năm 2020, doanh thu của HMGpop trên tăng 100% so với năm 2019. Đỉnh điểm, có những ngày giao dịch lên tới 1.300 đơn hàng và doanh số chiếm 30% tổng doanh thu của công ty”.

Để hỗ trợ DN tăng cường xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ, đặc biệt là xuất khẩu trực tuyến, đã có nhiều chương trình tăng cường hỗ trợ cung cấp kiến thức về thương mại điện tử xuyên biên giới cho nhà bán hàng thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển DN.

Khôi Nguyên
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét