Chuyển đổi số, lãnh đạo phải "chuyển đổi" trước

Để tiến trình chuyển đổi số diễn ra trơn tru, hiệu quả, điều đầu tiên phải thay đổi là tư duy cũng như sự quyết tâm của người lãnh đạo doanh nghiệp (DN).

Chuyển đổi số là một bước trong tiến trình ứng dụng công nghệ vào kinh doanh của DN, song nhiều chủ DN tại Việt Nam hiện vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò lẫn tính hiệu quả của chuyển đổi số để xây dựng chiến lược sử dụng nguồn nhân lực và tài lực phù hợp. Hơn nữa, không hiếm trường hợp ngộ nhận, cho rằng chuyển đổi số là "chiếc đũa thần" có thể lập tức nâng cao hiệu quả kinh doanh, dù thực chất nó có thể là con đường "dài hơi" và thậm chí không đem lại kết quả như mong muốn, nếu tầm nhìn ban đầu của người lãnh đạo thiếu chính xác.

Nhận thức đã chuyển hướng đáng mừng

Theo TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty CP Viet Lotus, thời gian qua nhận thức của chủ DN Việt Nam về chuyển đổi số đã có sự chuyển hướng rất đáng mừng, tuy hơi chậm. Dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng mức độ nhận thức của DN về chuyển đổi số vẫn chưa đạt được "độ chín", vì mới chỉ dừng ở mức độ từ không biết, hoặc xem nhẹ, cảm thấy cần thiết, chứ chưa xem chuyển đổi số là một áp lực, một việc làm cấp thiết. "Do đó, cần tiếp tục triển khai nhiều chương trình đào tạo, cung cấp kiến thức cho DN, giúp họ nhận thức rằng, chuyển đổi số là vấn đề mang tính sống còn, nếu không chuyển đổi thì không thể tồn tại và không có đủ sức mạnh để cạnh tranh, nhất là với DN nước ngoài", ông Ngoạn nói.

Vị tiến sĩ cũng khuyên, để chuẩn bị tốt cho chuyển đổi số, việc đầu tiên cần làm là lãnh đạo DN phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bước đi này và bản thân người lãnh đạo phải thay đổi tư duy, nếu không, không thể có chuyển đổi số. Riêng tại Việt Nam, chuyển đổi số cần được thực hiện theo phương thức top-down (từ trên xuống), trong đó chính người lãnh đạo phải dẫn dắt, chỉ đạo cấp dưới để tạo ra sự biến chuyển, chứ không thể triển khai theo hướng bottom-up (từ dưới lên) được.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số đến từ việc ngại thay đổi và sự thiếu hợp tác giữa các phòng ban trong DN. Thế nên, để chuyển đổi số thành công, nhiệm vụ trước nhất là phải thay đổi nhận thức của toàn bộ hệ thống, qua đó hướng mọi nguồn lực của tổ chức vào mục tiêu chung. Người thúc đẩy điều này, không ai khác chính là lãnh đạo. Nếu nói như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tại một hội thảo về chuyển đổi số cách đây một tháng tại Đà Nẵng, thì để làm được điều này, cần thực hiện quy tắc 3H: Heart - Head - Hand (trái tim - bộ não - đôi tay), tức là bắt đầu từ khát vọng và ý chí, sau đó đến tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và cuối cùng mới triển khai vào thực tế.

Đó cũng là nhận xét chung của các chuyên gia thuộc lĩnh vực đào tạo, tư vấn chuyển đổi số trong lễ khai mạc Chương trình Đào tạo kỹ năng chuyển đổi số quốc gia, do Đại học Văn Lang, Viet Lotus và Cục Tin học hóa vừa phối hợp tổ chức. Phát biểu tại sự kiện này, ThS. Hoàng Văn Tam - chuyên gia đào tạo và tư vấn chuyển đổi số, nhà sáng lập, CEO Công ty Digitech Solutions cho rằng, để chuyển đổi số thành công, người lãnh đạo phải quyết tâm và có kế hoạch hành động cụ thể, chứ không thể hô hào suông.


Phải kiên định và có tầm nhìn rõ ràng

Theo một khảo sát vào năm 2018 của IDC Group, có 70-80% DN thất bại khi chuyển đổi số, nguyên nhân đến từ việc người đứng đầu chưa có nhận thức đầy đủ về bước đi này. Lý do là chuyển đổi số không chỉ phụ thuộc vào yếu tố công nghệ, mà quan trọng hơn cả nằm ở con người. "Mỗi tổ chức đều có đặc thù, mô hình kinh doanh và quản trị khác nhau, nhưng theo tôi, điểm chung cần thiết phải có chính là sự cam kết của lãnh đạo, cùng một quan điểm chung rõ ràng về chuyển đổi số", TS. Phạm Tuấn Anh - CIO, Giám đốc Dự án Thành phố thông minh Becamex chia sẻ kinh nghiệm.

Lấy ví dụ về việc triển khai hệ thống trình ký duyệt tại Becamex, ông Tuấn Anh cho biết, nên phân chia chuyển đổi số thành hai giai đoạn, là tối ưu hóa (digital optimization) và chuyển đổi (digital transformation). Trong đó, việc tối ưu hóa quy trình, mô hình kinh doanh hay nguồn lực hiện tại bằng công nghệ cần được thực hiện trước, sau khi hoàn thành mới đi vào chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số thành công, ông Tuấn Anh chia sẻ: "Nếu chúng ta có một quick-win (chiến thắng nhanh) trong khoảng 6 tháng, để chứng minh con đường phía trước là đúng đắn, thì sẽ có thể từng bước vượt qua. Tại Becamex, ban đầu mọi người phản đối, tôi mất gần 9 tháng để triển khai hệ thống trình ký duyệt tại công ty mẹ. Tuy nhiên, sau khi đã thành công, tất cả phòng ban và các đơn vị thành viên đều nhận thấy sự tuyệt vời của quá trình tối ưu hóa, thì đều nhất loạt thực hiện. Khi ấy, tôi chỉ mất khoảng một tháng để triển khai cho mỗi đơn vị mà thôi".

Đồng quan điểm với ông Tuấn Anh, ThS. Tô Đình Hiếu - chuyên gia đào tạo và tư vấn chuyển đổi số với 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông nói thêm rằng, trở ngại lớn nhất trong chuyển đổi số là tư duy của người lãnh đạo. "Việc người lãnh đạo thực sự chuyển đổi tư duy có thể xem là đã mở đường cho sự thay đổi của hệ thống", ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia này lấy ví dụ: "Lãnh đạo mong muốn cấp dưới mạnh dạn thử nghiệm, mạnh dạn thử rồi sai, nhưng khi sai lại "phạt" hay khiển trách thì không được. Hoặc lãnh đạo đưa ra dự án và yêu cầu rằng, với thời gian 6 tháng, phải mang về ROI (tỷ suất hoàn vốn) 5 lần, 10 lần, trong khi đây (chuyển đổi số) lại là những thứ rất mới, chưa bao giờ thực hiện, thì đương nhiên sự thay đổi sẽ không thể diễn ra ngay".

"Chuyển đổi số là một sự thay đổi lớn, nên để triển khai thành công, phải chấp nhận sự thay đổi và dám thất bại phải được truyền tải từ trên xuống", ông Hiếu khuyên. "Theo đó, DN cần có một khoản ngân sách rõ ràng cho "thử và sai" để học hỏi, để rút kinh nghiệm. Nếu vẫn giữ khư khư tư duy giao dự án kèm theo KPI, chỉ tiêu phải hoàn thành, thì không ai dám thay đổi. Nói thay đổi nhưng luôn có "chiếc búa" chực sẵn thì không được".

Thiên Long
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét