Dù rất tiềm năng, thu hút sự chú ý của nhiều thương hiệu nước ngoài và còn nhiều động lực tăng trưởng, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam không là "miếng bánh dễ xơi" đối với nhiều DN.
Với vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu, thị trường bán lẻ việt nam vẫn đầy tiềm năng, là “mỏ vàng” để các doanh nghiệp (DN) tiếp tục khai thác.
Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn luôn hấp dẫn với các nhà đầu tư. Từ năm 2019 đến nay, thị trường luôn tăng trưởng hai con số và năm sau cao hơn năm trước. Chính các yếu tố như thu nhập tăng, tốc độ đô thị hóa và mức sống ngày càng tăng đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Tổ chức Nghiên cứu Fitch Solutions dự báo, năm 2021, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam tăng 9,6% so với mức năm 2020. Còn theo Tổ chức Khảo sát, nghiên cứu và công bố dữ liệu kinh tế thương mại toàn cầu Trading Economics, doanh số bán lẻ của việt Nam dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Đây chính là điều khiến bán lẻ ở Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất thế giới.
Dù vậy, thị trường vẫn chứng kiến sự "ra đi" của nhiều thương hiệu đình đám nước ngoài. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ không phải là "miếng bánh ngon dễ xơi". Trong đó, mới đây nhất là sự rút lui của thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp - Auchan. Sau 4 năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu này phát triển được gần 20 siêu thị tại TP.HCM, Hà Nội, Tây Ninh và Bình Dương. Thế nhưng, vì chậm thích nghi với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng về chủng loại sản phẩm lẫn mô hình kinh doanh nên liên tục bị lỗ, năm 2019 phải chuyển giao lại cho Saigon Co.op. Hiện một số siêu thị Auchan đã được Saigon Co.op chuyển thành Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife.
Không ồn ào như Auchan, các siêu thị Wellcome và Giant của Dairy Farm cũng lặng lẽ biến mất khỏi thị trường. Trước đó là những cuộc chia tay đầy ồn ào của hai nhà bán lẻ Đức, Pháp là Metro và Big C. Khi không thể "khai phá" được thị trường sau nhiều năm bám trụ, cả hai nhà bán lẻ phương Tây này đành ngậm ngùi chuyển nhượng toàn bộ "cơ ngơi" đã xây dựng tại Việt Nam cho các nhà đầu tư Thái Lan. Thương vụ chuyển nhượng Metro (Đức) hồi năm 2014 và Big C (Pháp) năm 2016 khiến thị trường "dậy sóng". Hiện tại, hệ thống bán lẻ này đã được "thay tên đổi họ". Cụ thể, sau khi về tay nhà đầu tư Thái Lan, đầu tháng 3 vừa qua, đại gia bán lẻ Thái đã quyết định "xóa sổ" thương hiệu Big C và thay vào đó là thương hiệu Tops Market và GO!. Trong khi trước đó, năm 2014, Metro cũng được Tập đoàn Berli Jucker PCL (BJC) - một tập đoàn khác của Thái Lan thâu tóm và sau đó đổi tên thành MM Mega Market.
Cùng với việc đổi tên thương hiệu, các tập đoàn này cũng thay đổi cung cách kinh doanh với mô hình mới. Trong đó, GO! phát triển thành những trung tâm thương mại và đại siêu thị ở các thành phố mới phát triển tại Việt Nam. Đây không chỉ là nơi mua sắm mà còn tích hợp những khu vui chơi giải trí cho người dân địa phương. MM Mega Market không còn là nơi cung cấp hàng sỉ mà đẩy mạnh bán lẻ thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn...
Năm 2020, dù ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng doanh số bán lẻ ở Việt Nam vẫn tăng hơn 11 tỷ USD so với năm 2019, đạt hơn 172 tỷ USD. Với quy mô dân số đông, ngành bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay. Thị trường bán lẻ vẫn đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển, song cạnh tranh cũng rất khốc liệt, đòi hỏi DN phải phân loại thị trường, phát triển những mô hình bán lẻ phù hợp với khách hàng.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến nay Việt Nam có 1.085 siêu thị, trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, DN bán lẻ Việt Nam chiếm khoảng 70-80% số điểm bán. Việc mở rộng độ phủ cho thấy DN bán lẻ trong nước đã khôn khéo khi vừa củng cố thị phần tại các tỉnh, thành phố lớn, vừa nhắm đến các thị trường ngách, nông thôn. Đây là sự lựa chọn phù hợp để đáp ứng tốt xu hướng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi của người tiêu dùng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, dịch Covid-19 làm cho thị trường bán lẻ bị phân hóa rõ ràng hơn. Nhưng về mặt tích cực, nó giúp cho các nhà bán lẻ hiểu hơn về thị trường và tập trung vào đối tượng khách hàng mục tiêu. Trong đó, tốc độ chuyển biến của nhóm khách hàng cao cấp diễn ra gấp 4-5 lần so với những năm trước. Vì vậy, trong năm 2021, Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh hình ảnh gắn với chuỗi siêu thị cao cấp Finelife tại các thành phố lớn để phục vụ khách hàng có thu nhập cao. Và trong kế hoạch, Saigon Co.op sẽ có 100 siêu thị chuyên về hàng cao cấp.
Số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, DN bán lẻ ngoại mạnh về công nghệ, quản trị nhưng mức độ am hiểu người tiêu dùng Việt lại không bằng DN nội. Chính vì vậy, DN nội vẫn có những lợi thế nhất định trong cuộc đua giành thị phần. Đơn cử là nhờ am hiểu thị trường nên dù ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng năm 2020, Saigon Co.op - đơn vị chủ quản hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra... vẫn tăng trưởng dương.
Hiện các DN bán lẻ đang đẩy mạnh khai thác thị trường nông thôn. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường và Tư vấn đầu tư bất động sản Savills Việt Nam, công suất sử dụng bình quân mặt bằng bán lẻ năm 2020 đạt đến 95%. Trong đó, trung tâm thương mại có công suất đạt 95%, cửa hàng bách hóa đạt 98%. Những thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước vẫn đang tìm cách mở rộng hệ thống. Dự báo, năm nay sẽ có khoảng 12 siêu thị với hơn 170.000m2 gia nhập thị trường và khoảng 80% tổng nguồn cung này tập trung ở khu vực ngoài trung tâm các thành phố. Cùng nhận định này, đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường và Tư vấn đầu tư bất động sản Colliers International Việt Nam cho biết, sẽ có nhiều trung tâm bán lẻ tiếp tục được phát triển, phân bố đa dạng hơn ở vùng ven đô thị lớn hay ở nhiều tỉnh.
Thiên Long
0 nhận xét :
Đăng nhận xét