20 triệu liều vắc-xin Covid-19 'chuẩn Mỹ' sẽ được gửi ra nước ngoài vào cuối tháng 6

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính quyền của ông sẽ gửi 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 ra nước ngoài vào cuối tháng 6 tới.


"Chương trình tiêm chủng của chúng tôi đã dẫn đầu thế giới, và hôm nay chúng tôi đang thực hiện thêm một bước nữa để giúp thế giới", ông Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

Dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ, NBCNews cho biết, 20 triệu liều vắc-xin lần này là con số cộng thêm ngoài 60 triệu liều AstraZeneca mà ông Biden đã lên kế hoạch xuất sang các nước khác trước đó. Trong lô vắc-xin vào cuối tháng 6 nói trên, có các loại vắc-xin được cấp phép tại Mỹ lần đầu tiên được xuất đi.

Theo đó, chính quyền Biden sẽ gửi vắc-xin của các hãng như Pfizer/BioNTech, Moderna, hoặc Johnson & Johnson - 3 loại vắc-xin được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép tại Mỹ. Trước đó, Mỹ đã chia sẻ 4 triệu liều vắc-xin AstraZeneca (sản phẩm không được cấp phép tại Mỹ) trong kho dự trữ với Mexico và Canada vào tháng 3/2021.

"Chương trình tiêm chủng của chúng tôi đã dẫn đầu thế giới, và hôm nay chúng tôi đang thực hiện thêm một bước nữa để giúp thế giới", ông Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

"Không đại dương nào đủ rộng, không bức tường nào đủ cao để giữ an toàn tuyệt đối cho chúng ta. Dịch bệnh và tử vong tràn lan ở các quốc gia khác có thể gây bất ổn cho họ, đồng thời mang đến rủi ro cho chúng tôi", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói thêm.

Dẫn lời một quan chức giấu tên, hãng tin Bloomberg cho biết, đây chỉ là bước đi đầu tiên của Mỹ trong ý định dập tắt đại dịch ở nước ngoài. Trước đây, ông Biden từng cam kết Mỹ sẽ sớm trở thành "kho" cung ứng vắc-xin của thế giới.

Dù vậy, hiện chưa rõ quốc gia nào sẽ nhận các liều vắc-xin nói trên. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền Biden trong những ngày tới sẽ thông báo thêm về cách thức quyết định nơi nhận vắc-xin.

Theo NBCNews, tuyên bố của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu về vắc-xin ở Mỹ đang giảm, và tốc độ triển khai vắc-xin nhanh chóng tại nơi này cũng như các quốc gia giàu có khác thu hút sự chú ý từ các nhà phê bình - những người đã chỉ ra sự tương phản giữa điều này với việc hàng loạt quốc gia khác phải vật lộn để có được vắc-xin.

Cụ thể hơn, Mỹ hiện đã sắp hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trong nước. Quốc gia hơn 330 triệu dân đang gần vượt ngưỡng chỉ tiêu tiêm vắc-xin ít nhất một liều cho 60% người trưởng thành, theo Bloomberg. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác - đặc biệt là các nước thu nhập thấp và cả các quốc gia đang phát triển - vẫn đang chật vật với nguồn cung vắc-xin.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ngày 17/5/2021 cho biết, COVAX - chương trình vắc-xin toàn cầu nhằm hỗ trợ tiếp cận vắc-xin cho các nước thu nhập thấp, đang thiếu hụt nguồn cung và dự kiến sẽ thiếu khoảng 190 triệu liều vào tháng sau.


Dù bản thân ông Biden từng nói sẽ chỉ chia sẻ vắc-xin của Mỹ sau khi đã đáp ứng nhu cầu trong nước, song áp lực về việc nước này phải đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đã tăng lên đáng kể, khi số ca nhiễm tại Ấn Độ lẫn Nam Mỹ leo thang chóng mặt. Giới chuyên gia cảnh báo, sự bất bình đẳng trong tiêm chủng toàn cầu có thể kéo dài đại dịch nếu SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến, làm tăng khả năng lây nhiễm và kháng thuốc hơn.

Đồng thời, không thể không kể đến chiến lược bán hoặc tài trợ vaccine của Trung Quốc và Nga cho các quốc gia khác, nhằm nâng cao hình ảnh quốc tế và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, việc đóng hộp số vắc-xin chưa dùng đến và gửi đi nghe có vẻ đơn giản, song thực tế lại cực kỳ phức tạp.

Theo Bloomberg, không có hàng chục triệu liều vắc-xinModerna nào "chờ sẵn" trong nhà kho. Hầu hết các liều vắc-xin chưa sử dụng của Mỹ nằm rải rác trên hàng chục nghìn địa điểm như cơ sở tiểu bang, hiệu thuốc địa phương, địa điểm tiêm chủng và các địa điểm khác. Việc thu thập và gửi chúng ra nước ngoài sẽ vô cùng khó quản lý và làm ảnh hưởng đến các công việc đang thực hiện trong nước. Do đó, cần ít nhất vài tuần nữa để có thể biết rõ hơn về nhu cầu của Mỹ và những gì mà họ có thể xuất khẩu.

Khải Hoàng
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét