Thúc đẩy "sứ mệnh" đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot tại Việt Nam

"Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot" vừa chính thức ra mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chương trình đào tạo mang tầm chiến lược đối với quốc gia và được nhiều nước tiên tiến trên thế giới triển khai giảng dạy.

Ngày 24/4, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP HCM) phối hợp với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chính thức ra mắt “Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot” tại Khu công nghệ phần mềm - ĐHQG TP HCM (phường Linh Trung, TP Thủ Đức).

Buổi lễ ra mắt có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan Trung ương và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM); lãnh đạo các Bộ, sở, ban ngành; Ban lãnh đạo ĐHQG TP HCM; Ban Tổng giám đốc IPPG cùng đại diện các công ty công nghệ và đối tác; Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn TP Thủ Đức, TP HCM, TP Đà Lạt và các tỉnh, thành khác.

Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot (AIC) được tổ chức tại Khu công nghệ phần mềm thuộc ĐHQG TP HCM, có tổng diện tích 3.000 m2. Đây sẽ là nơi phục vụ các hoạt động học tập, hội thảo, tổ chức các giải thi đấu về trí tuệ nhân tạo. Công suất đào tạo tại AIC khoảng hơn 42.000 học sinh, sinh viên mỗi năm.

Chương trình được đầu tư hơn 32 tỉ đồng, nằm trong gói tài trợ 320 tỷ đồng của IPPG dành cho ĐHQG TP HCM và Đại học Đà Lạt để thành lập trường đào tạo CEO và phát triển giáo dục AI.

AIC là trung tâm đào tạo trí tuệ nhân tạo cho K12 (từ lớp 1 đến lớp 12) đầu tiên tại khu vực phía Nam, giảng dạy theo hướng tiếp cận liên môn STEM, STEAM về trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho học sinh, sinh viên ở các độ tuổi, cấp học, ngay từ lớp 1.

Về tài liệu, bộ giáo trình AI Future Intelligent Manufacture của Công ty UBtech education USA do IPPG mua bản quyền, ĐHQG TP HCM điều chỉnh, Việt hóa, thẩm định và xuất bản, đưa vào giảng dạy.

AIC đào tạo theo hướng tiếp cận nhằm kích thích tình yêu khoa học - công nghệ của học sinh, sinh viên Việt Nam. Từ đó ươm mầm, phát triển những tài năng AI, trang bị kỹ năng, kiến thức AI để thế hệ trẻ được hội nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao thời đại công nghệ 4.0 trên toàn cầu trong tương lai.

Ngoài ra, AIC còn có khu trưng bày các giải pháp AI. Tại đây khách tham quan được tìm hiểu, trải nghiệm các sản phẩm AI đã và đang được các doanh nghiệp sử dụng tại Việt Nam và thế giới, cũng như các sản phẩm khoa học về AI của các nhóm nghiên cứu tại các trường đại học, được tận mắt nhìn ngắm các mô hình robot hoàn chỉnh của học sinh AIC sau quá trình học tập thực hành tại AIC.

Hoạt động AIC với sứ mệnh xây dựng và thúc đẩy sự phát triển Hệ sinh thái giáo dục AI - Robotics, góp phần đẩy nhanh sự phát triển AI của đất nước và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Chương trình gồm các hoạt động như: chương trình AI-Robotics và các khóa học hè cho học sinh, sinh viên; khóa đào tạo giáo viên AI-Robotics từ cơ bản đến nâng cao; tổ chức các hội thảo về AI-Robotics cho cộng đồng và doanh nghiệp.

Đây còn là không gian trải nghiệm, giới thiệu, trưng bày các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các sản phẩm khoa học về AI của sinh viên các trường đại học.


Ông Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐHQG TP HCM chia sẻ quá trình Việt hóa và thẩm định tài liệu, ngoài sự tham gia xuyên suốt của các thầy, cô, nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, AI, còn có các chuyên gia ở các lĩnh vực xã hội, ngôn ngữ, sư phạm để các kiến thức gần gũi hơn với học sinh, sinh viên. Xây dựng học liệu là quá trình liên tục. Vì thế trong thời gian tới, giáo trình của chương trình sẽ tiếp tục được cải tiến, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM cho biết: Nhà trường đang tham gia đào tạo, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cả ở chiều sâu và chiều rộng. Trong đó, về chiều sâu, ĐHQG TP HCM đang chuẩn bị thành lập Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, đơn vị cũng đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ quốc tế, trong đó chủ trì nhiều đề án thành phần về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo…

Cùng với đó, ĐHQG TP HCM cũng chú trọng tới các chương trình về chiều rộng như triển khai "Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot" nhằm lan tỏa kiến thức về AI nhiều hơn tới cộng đồng, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên; qua đó khơi gợi, truyền đam mê nghiên cứu khoa học tới các em, phát hiện và bồi dưỡng nhân tố mới trong lĩnh vực nghiên cứu AI.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nhấn mạnh: "Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot" là trung tâm đầu tiên trong chuỗi chiến lược phát triển giáo dục AI của IPPG trong 5 năm.

Dự kiến, từ nay đến năm 2025, IPPG sẽ phối hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục để thành lập thêm 10 trung tâm AI và triển khai 1.800 AI Lab tại các trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước, với mục tiêu thực hiện "sứ mệnh" của IPPG là đào tạo AI cho hơn 2,5 triệu học viên mỗi năm cho đất nước.

Trước mắt, với sự ra đời của AIC tại ĐHQG TP HCM, AIC được kỳ vọng trở thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đào tạo AI của TP HCM, là nơi góp phần tuyển chọn, đào tạo và cung ứng nhân tài AI cho các đơn vị, doanh nghiệp trên khắp Việt Nam.

Thanh Trúc
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét