Số ca Covid-19 vẫn tăng, Thủ tướng Campuchia trấn an người dân về phong toả

Ngày 15/4 là Tết Chol Chhnam Thmey của người Campuchia, và cũng là ngày đầu tiên toàn bộ thủ đô Phnom Penh cùng thành phố Ta Khmau (tỉnh Kan Dal) bị phong tỏa để 'dập dịch'.

Theo dữ liệu từ WorldoMeter, số ca nhiễm Covid-19 trong 24 tiếng vừa qua ở Campuchia tiếp tục tăng ở mức 3 con số. Trong 344 trường hợp mắc mới, có 5 ca nhập cảnh; toàn bộ số còn lại đều liên quan đến sự kiện lây nhiễm cộng đồng vào ngày 20/2. Hiện, tổng số ca bệnh ở Campuchia từ ngày 23/1/2021 đã tăng lên 5.218, với 2.319 trường hợp bình phục và 2.858 ca đang điều trị. Trong tổng số các ca bệnh được ghi nhận, 4.676 là ca lây nhiễm cộng đồng có liên quan đến sự kiện ngày 20/2.

Đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức Campuchia đã ra lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau (tỉnh Kandal) nằm gần đó trong 2 tuần, kể từ ngày 15/4/2021. Cảnh sát đã dựng rào chắn và giăng dây tại các con đường ở ngoại vi Phnom Penh, trên các tuyến phố lớn.


Theo tuyên bố của chính phủ Campuchia, từ ngày 15/4 đến 28/4, người dân tại Phnom Penh và Ta Khmau bị cấm tụ tập và rời khỏi nhà vì mục đích không thiết yếu. Cụ thể, họ được phép đến bệnh viện, mua thực phẩm và nhu yếu phẩm ba lần một tuần, chỉ hai người ở mỗi hộ gia đình được phép ra ngoài.

Nhà báo, nhà ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhân viên tổ chức phi chính phủ, cán bộ nhà nước được phép đi làm nhưng phải mang theo giấy tờ chứng minh công việc. Chỉ các cửa hàng và dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động. Phnom Penh và Ta Khmau cũng áp lệnh giới nghiêm vào buổi tối, kéo dài từ 20g00 đến 5g00 sáng hôm sau.

Theo báo Khmer Times, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho Bộ Lao động nước này đóng cửa các nhà máy may mặc ở Phnom Penh và Ta Khmau. Các nhà máy sản xuất thực phẩm và mì vẫn được phép hoạt động.

Liên quan đến lệnh phong toả ngày 15/4/2021, một đoạn băng ghi lại quyết định của ông Hun Sen về việc này đã bị lan truyền trên mạng xã hội vào một ngày trước khi mệnh lệnh có hiệu lực, khiến người dân Phnom Penh ồ ạt tích trữ thực phẩm và đồ dùng cần thiết.

Trung tâm mua sắm AEON tại Phnom Penh được cho là rơi vào tình trạng quá tải khi người dân "càn quét" các mặt hàng thiết yếu trước giờ phong tỏa. Các lệnh phong tỏa thường được giữ kín cho tới khi có thông báo chính thức từ nhà chức trách, nhằm tránh gây xáo trộn lớn trong đời sống xã hội và tâm lý của người dân.


Ông Hun Sen thừa nhận giọng nói trong bản ghi âm là của mình, song giải thích rằng thông điệp bị lộ không đầy đủ, khiến công chúng hiểu nhầm mục tiêu của ông và chính phủ. "Tôi vô cùng xin lỗi vì bản ghi âm lệnh phong tỏa của tôi đã bị một số quan chức vô trách nhiệm làm rò rỉ, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo người dân sẽ không bị đói và vẫn được sử dụng điện nước sinh hoạt", ông Hun Sen nói.

Thủ tướng Campuchia cho biết, "các hoạt động rò rỉ cá nhân sẽ bị trừng phạt một khi chúng ta tìm ra thủ phạm", đồng thời kêu gọi người dân đọc toàn bộ thông báo về việc phong tỏa. Nhấn mạnh phong tỏa ở các khu vực là để cứu sống các sinh mạng, ông Hun Sen nói: "Đây là mục đích thực sự của phong tỏa và giải pháp đó không phải nhằm giết hại ai".

"Tôi kêu gọi mọi người không hoảng sợ… và khi mọi người đã hiểu kỹ về quyết định của chính phủ tối qua (14/4), mọi người sẽ không quá lo lắng nữa", ông nói tiếp.

Được biết, đây là lần đầu tiên Campuchia phong tỏa thủ đô kể từ khi dịch bùng phát vào đầu năm ngoái. "Chúng ta đang bên bờ vực sinh tử. Nếu chúng ta không chung tay với nhau, chúng ta sẽ lao vào chết chóc thật sự", Thủ tướng Hun Sen cảnh báo trên truyền hình Campuchia vào tối 14/4/2021.

Minh Tú
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét